Ấn tượng Bảo tàng Côn Đảo: Nơi thời gian ngừng lại
Bảo tàng Côn Đảo khởi công xây dựng ngày 6/12/2009 và khánh thành vào ngày 10/10/2010, chính thức đưa vào phục vụ du khách vào ngày 6/9/2013.
Khi bước chân vào bảo tàng Côn Đảo, bạn sẽ gặp một cụm tượng bằng inox cao 6m thể hiện khí phách của người chiến sĩ cộng sản, khát vọng vươn tới tự do, cách tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn liền với cánh chim hòa bình.
Phía sau là khối đá được ghép bằng chất liệu đá khai thác tại Côn Đảo, khắc chìm những con số, đó là số tù. Những phiến đá khắc số tù này tượng trưng cho lớp lớp thế hệ tù nhân bị lưu đày tại nhà tù Côn Đảo trong suốt 113 năm.
Bảo tàng Côn Đảo đã tái hiện những quãng thời gian đau thương nhưng hào hùng của các chiến sĩ cách mạng bị cầm tù tại đây. Những tài liệu trong bảo tàng Côn Đảo cho thấy các chiến sĩ đã đoàn kết, đấu tranh như thế nào. Những tờ báo đầu tiên trong thời Mỹ - Ngụy như tờ Sinh Hoạt ra đời tại trại 6B ngày 20/11/1972. Tiếp theo đó là tờ Rèn luyện, Niềm tin, Đoàn kết, Tiến lên, Phấn đấu, Quyết tâm…
Bảo tàng Côn Đảo cũng đã thông tin tới người xem về chuyến vượt ngục của anh em tù Sở Đá Côn Đảo ngày 28/2/1952. Trong thời gian lao động khổ sai làm đá tại Núi Chúa Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Quốc Thể đã lãnh đạo 8 chiến sĩ thực hiện cuộc vượt ngục bằng thuyền vải tự tạo về Cà Mau. Thuyền làm bằng vải quần áo tù nhân kết lại, quét qua nhiều lớp sơn để chống thấm nước. Sườn thuyền kết bằng song mây rỏi ngựa, dùng buồm để lợi dụng sức gió cho thuyền chạy, dùng mái chèo để thay lái. Cuộc vượt ngục đã thành công, đoàn về đến bến Đầm Dơi (Cà Mau)…
Một nội dung nổi bật trong chủ đề tại Bảo tàng Côn Đảo là câu chuyện về nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Khí phách của chị đã khiến những tên đao phủ phải khâm phục và run sợ, ngay cả khi chị đã hy sinh.
Như vậy, đi thăm quan Bảo tàng Côn Đảo, du khách sẽ có cái nhìn tổng quát về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ thời xa xưa, đến cuộc sống hiện tại của người dân. Không những thế, giai đoạn đau thương, hào hùng của dân tộc, chống Pháp, chống Mỹ, chính là điểm nhấn đậm nét mà Bảo tàng Côn Đảo khắc họa lại cho du khách có cái nhìn toàn cảnh.
Dưới đây là những hình ảnh về Bảo tàng Côn Đảo, một điểm nhấn khi du khách đến Côn Đảo ngày hôm nay:
Cụm tượng bằng inox cao 6m thể hiện khí phách của người chiến sĩ cộng sản, khát vọng vươn tới tự do, cách tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn liền với cánh chim hòa bình. |
Công cụ đồ đá phát hiện tại Côn Đảo |
Hệ thực vật, động vật phong phú tại Côn Đảo, trong đó có rùa biển |
Những chiến sĩ, tù nhân nổi tiếng đã từng trải qua thời gian bị tù đày tại Côn Đảo |
Hình ảnh lối đi bên trên chuồng cọp Pháp dùng cho cai ngục, trật tự đi kiểm tra và tra tấn tù nhân |
Cùm để cùm chân tù nhân |
Cố vấn Mỹ giám sát tù nhân lao động khổ sai được ghi lại và trưng bày bằng hình ảnh trong bảo tàng Côn Đảo |
Súng giặc dùng để đàn áp tù nhân |
Miếng tôn (hay còn gọi là Thẻ đính bài) dùng để gắn số tù nhân và ngày quá cố cắm trên nấm mộ tù nhân |
Những nữ tù nhân kiên cường tại Côn Đảo |
Bức ảnh về một chuyến vượt ngục thành công của tù nhân Côn Đảo |
Các bộ trang phục của tù nhân tại đây |
Tờ báo Xây dựng được ra đời ngay trong nhà tù Côn Đảo |
Những cuốn sách được các tù nhân truyền tay nhau đọc trong tù |
Nơi tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu |
Danh sách những chiến sĩ đã tử vong tại nhà tù Côn Đảo |
Vẫn có những niềm vui khi các chiến sĩ - tù nhân - sống sót và được trở về gặp mẹ. |