9X khởi nghiệp với mô hình nuôi cua biển trong nhà
Hiện nay, ở Việt Nam, các mô hình nuôi cua biển trong bể xi măng đã trở nên phổ biến, còn việc nuôi cua bằng hộp nhựa để trong nhà thì khá mới lạ. Ấy vậy nhưng anh Phạm Văn Duy (SN 1998, trú xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã thành công với mô hình nuôi cua trong nhà này.
Anh Duy bắt đầu mô hình nuôi cua trong nhà với 50 hộp thử nghiệm. Sau quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm, một năm sau, anh Duy đã nâng số hộp nuôi cua lên con số 540, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 300 triệu đồng.
Anh Duy chia sẻ về cơ duyên khi quyết định đầu tư mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa: “Xuất phát từ sở thích ăn cua nên ngày trước tôi thường xuyên vào mạng tìm hiểu cách nuôi những con cua chất lượng. Sau đó tôi may mắn vì biết một số người đang nuôi cua bằng hộp nhựa nên bắt đầu hành trình trong việc tìm hiểu công nghệ nuôi cua trong hộp”.
Thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm kiểm soát chất lượng nước, dẫn đến cua bị hao hụt trong quá trình nuôi. Sau nhiều lần thất bại, vừa học hỏi kinh nghiệm và tự mày mò, dần dần anh cũng đã khắc phục được nhược điểm trên, cua sinh trưởng rất tốt. Cho đến nay anh Duy đã có những thành công bước đầu nhưng vẫn còn một số kỹ thuật cần phải khắc phục thêm để mang đến cho khách hàng những con cua chất lượng nhất và bản thân người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhà ở thành phố Ninh Bình nhưng anh Duy cảm thấy vẫn thuận lợi hơn nhiều địa phương khác vì chỉ cách vùng biển Kim Sơn hơn 50 km, với khoảng cách đó anh dẽ dàng vận chuyển những khối nước mặn và đem giống cua về nuôi. Thông thường mỗi ngày anh Duy cho cua biển ăn 2 lần, vì cua biển có tập tính hoạt động về đêm nên bữa chính là bữa tối. Thức ăn của cua phải là thức ăn tươi như ốc, hến, tôm, cá được cắt nhỏ.
"Nước và giống tôi đều lấy từ vùng biển Kim Sơn. Nuôi cua biển trong hộp nhựa nguồn nước rất quan trọng, nước nuôi cua đưa về lọc qua hệ thống tuần hoàn thì không phải thay nước", anh Duy chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Duy, chất lượng thịt cua biển không phụ thuộc cua có vận động nhiều hay ít mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống. Vì vậy anh tự tin khẳng định về chất lượng thịt cua khi nuôi trong hộp, độ tươi và độ sạch khi tới tay khách hàng.
Việc nuôi cua biển trong hộp nhựa giúp kiểm soát được mật độ cua nuôi (mỗi con được nuôi trong 1 hộp), ít dịch bệnh, tiện chăm sóc, thu hoạch nhanh... Hộp nuôi cua biển được anh Duy xếp thành nhiều gian tầng khác nhau, đánh số thứ tự và ghi chép hằng ngày ở ngoài vỏ hộp nên rất tiết kiệm diện tích. Tùy vào kích thước con cua biển lúc thả vào, anh sẽ tiến hành thu hoạch, xuất bán khi cua đạt trọng lượng khoảng 4 con/ 1kg.
“Tôi thấy nuôi cua trong nhà có ưu điểm lớn nhất là tận dụng diện tích nuôi, dễ điều chỉnh nhiệt độ nuôi phù hợp. Việc nuôi và thu hoạch liên tục, người nuôi cũng kiểm soát được chất lượng cua (an toàn thực phẩm, không có thuốc và kháng sinh) trước khi bán cho khách hàng", anh Duy cho biết thêm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Duy thấy rất vui vì đầu ra của con cua nuôi trong nhà. Sắp tới, anh sẽ khắc phục vấn đề con giống có chất lượng ổn định, không phụ thuộc con giống tự nhiên và sản xuất thức ăn đồng bộ. Ngoài ra, anh sẽ mở rộng mô hình nuôi của mình để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Duy là một hình mẫu nuôi trồng hiện đại, trong đó áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hoàng Thanh