Nữ sinh viên khởi nghiệp với dự án biến loại cây rác thành sản phẩm hữu ích
Sinh viên Trần Phương Thảo (xã Trần Phú , huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), CLB Khởi Nghiệp – Học viện NNVN (VNUA) với dự án THAO ORCHID đã vượt qua hàng trăm dự án giành giải 3 cuộc thi “ Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022”.
Bèo lục bình là “chất liệu” chính để cô sinh viên triển khai dự án. Rất mơ mộng, Thảo cho biết lý do đặt tên dự án là “THAO ORCHID”: OOrchid là hoa lan đẹp và đắt, water-orchid là bèo tây trông chúng như 1 bông hoa lan nước nhưng được coi là rác, đẹp nhưng vô giá trị.
“THAO ORCHID thay đổi vận mệnh cây bèo biến chúng từ rác thành sản phẩm bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề xã hội và tạo giá trị kinh tế rất cao”, cô quả quyết. .
Lý giải thêm, Phương Thảo cho biết, Việt Nam là đất nước có 2360 con sông dài trên 10 km, có khoảng 3500 hồ chứa có dung tích lớn hơn 0,2 triệu m³, đó cũng chính là nơi cả bè bèo tây (lục bình) sinh sôi phát triển ngút ngàn.
Theo đó, bèo lục bình sinh sôi ở vùng ao hồ sông nước rất nhiều, vòng đời khá ngắn, sinh sôi nhanh, gây tắc nghẽn dòng chảy trên sông. Đây cũng chính là nơi trú ngụ, sinh sôi muỗi mang mầm bệnh. Trong khi đó, đây là loài thực vật rất dễ sinh trưởng, phát triển, điều này cũng gây ra những tác động không mong muốn tới môi trường.
“Vì thế, em muốn tận dụng nguyên liệu giá rẻ dồi dào, sẵn có từ thiên nhiên bằng việc thu gom và sản xuất các sản phẩm từ bèo lục bình- bèo tây giúp giải quyết các vấn đề về môi trường”, Thảo cho hay.
Không những thế, người dân Việt Nam chăn nuôi rất nhiều, nhất là động vật chó, mèo vì thế cần có cách xử lý chất thải từ động vật chăn nuôi ấy.
“Sản phẩm cát mèo từ bèo tây đáp ứng nhu cầu của khách hàng - những người nuôi mèo cần xử lý nhanh gọn, tiện lợi, khử mùi chất thải từ thú cưng chó mèo trong 4 ngày, do là cát hữu cơ nên ta hoàn toàn có thể xử lý bằng cách đổ vào bồn cầu xả”, Thảo nói.
Tận dụng ưu điểm ngậm hút nước tốt của bèo tây, dự án THAO ORCHID có 2 nhóm sản phẩm độc đáo làm từ bèo tây: xơ sợi, bột bèo
Theo đó, nhóm sản phẩm thứ nhất là bột bèo hút ẩm cực tốt. Sản phẩm này giải quyết được nhu cầu của khách hàng, nhất là những người nuôi thú cưng và gia súc rất cần giải quyết chất thải vừa nặng mùi vừa mất vệ sinh từ động vật, giúp người chăn nuôi cải thiện nông nghiệp
Thảo cho biết, bột bèo có thể hút được lượng chất lỏng từ 4 đến 5 lần trọng lượng, từ dầu thông thường, dầu máy bay… và cả xăng nữa, nó khống chế một lượng dầu 20 lít rò rỉ trong vòng 15 phút chỉ với việc rắc bột bèo lên.
Không những thế, bột bèo còn giúp trong lĩnh vực nông nghiệp và cây trồng như: cải thiện nảy mầm, giảm tần suất tưới nước. Tăng năng suất cây trồng và trái 70%, tăng sự tơi xốp đất trong thời gian dài.
Và xơ sợi từ bèo tây là sản phẩm nhóm 2 được dự án hướng tới sản xuất. Theo Thảo, sản phẩm này ra đời sẽ giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp như xử lý tràn dầu, xăng, hoá chất nhưng phải nhập khẩu tấm, bột hút chất hóa chất từ nước ngoài....
“Và đó là lý do THAO ORCHID tạo ra các sản phẩm từ bèo tây như: Đệm xơ bèo tây; sợi hút chất lỏng tấm lọc dầu; tấm hút nước đặt sau máy điều hòa, quạt hơi nước; tấm Cooling Pad; hộp, đĩa, cốc giấy dùng 1 lần, có thể tái chế (đựng thực phẩm) bảo vệ môi trường”, Thảo nói.
Cô còn cho biết thêm, THAO ORCHID sẽ tối ưu giá trị sử dụng từ bèo tây sinh sôi ở vùng ao hồ sông nước rất nhiều, vòng đời khá ngắn, sinh sôi nhanh, khó mà giết sạch. Bèo tây được coi là rác, nhiều địa phương phải chi khoản kinh phí lớn cho việc thu gom bèo nên chi phí thu mua bèo tây rất thấp, giá thành sản phẩm hoàn toàn có thể cạnh tranh thấp hơn với các dòng sản phẩm khác (cát mèo, tấm hút chất lỏng quạt hơi nước, bột xơ sợi hút chất lỏng…) khoảng 30-50%.
Thảo dự tính, dự án được triển khai sẽ đặt nhà máy sản xuất nằm ở vùng nguyên liệu dồi dào tại Hà Tĩnh để thu hoạch hoặc thu mua từ bà con ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… có thể đáp ứng nhu cầu thị trường với quy mô công nghiệp.
Nhân công vận hành được cô hướng tới là nhóm người khuyết tật, phụ nữ khu vực nông thôn sông nước nhằm trao quyền, tạo môi trường bình đẳng trong lao động, giúp tạo thu nhập, việc làm cho nhóm đối tượng yếu thế.
Thảo tự tin cho biết hiện trên thị trường chưa có sản phẩm tương tự, và với lợi thế người dẫn đầu, nếu có đủ nguồn lực để đi nhanh, sản phẩm sẽ chiếm ưu thế và gây ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng.
Không những thế, dự án nếu được triển khai sẽ giải quyết được vấn đề việc làm cho bà con vùng sông nước, đặc biệt là giải quyết được vấn đề môi trường.
THAO ORCHID kỳ vọng đưa sản phẩm từ nông nghiệp ra thế giới. Mang lại sản phẩm bảo vệ môi trường, sự thân thiện với thiên nhiên. Đồng thời mỗi năm sẽ trích ra 20% lợi nhuận cho bảo vệ cứu trợ động vật và làm từ thiện cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
N. Huyền