8 loại thực phẩm có thể gây dị ứng nghiêm trọng nhất
Dị ứng thức ăn thực chất là một phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra khi cơ thể tiếp nhận những protein đặc biệt thông qua đường ăn uống. Đây là một loại phản ứng của hệ miễn dịch khi các protein đặc biệt này gây nên các phản ứng dị ứng của cơ thể.
Tình trạng dị ứng với thành phần protein trong thức ăn có thể là cấp tính (xảy ra một cách đột ngột) hoặc mạn tính (xảy ra trong một thời gian dài). Trên thế giới có 2-3% người lớn bị dị ứng với thực phẩm, ở trẻ em, con số này cao gấp đôi.
Dị ứng có nhiều mức độ: ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi hoặc chỉ cần uống thuốc chống dị ứng, ở mức độ nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, bạn cần phải biết rõ bạn dị ứng với thực phẩm nào để tránh những rủi ro đáng tiếc. Dựa trên các chỉ số dị ứng được thống kê đối với thực phẩm, 8 loại thực phẩm sau đây có tỷ lệ gây dị ứng cao nhất đối với người sử dụng:
Các loại hạt
Một số lượng lớn các loại hạt, bao gồm đậu phộng, hạnh nhân, hạt dẻ cười… có thể gây ra phản ứng kháng nguyên-kháng thể, biểu hiện bằng ho, sưng màng nhầy, mụn mủ hoặc thậm chí là các phản ứng nghiêm trọng hơn. Nếu đúng như vậy, hãy tránh chúng bằng mọi giá.
Sữa
Đối với trẻ sơ sinh, trẻ uống sữa càng thường xuyên thì càng có nguy cơ bị dị ứng hoặc không dung nạp đường lactose tương ứng. Cách phòng ngừa tốt nhất - các bà mẹ cho con bú bằng sữa mẹ. Theo các nghiên cứu, tình trạng không dung nạp thức ăn ít phổ biến hơn khi trẻ bú sữa mẹ.
Đậu nành
Nhiều người ăn chay coi đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành thay thế cho sữa hoặc thịt, nhưng chúng cũng có khả năng gây dị ứng, thậm chí với tỷ lệ cao.
Cá
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều trẻ em không thích ăn cá vì ngoài xương, đôi khi vị lạ và mùi tanh có thể gây ra phản ứng. Ngoài ra cá chứa nhiều chất gây dị ứng nên cũng thuộc một trong những thực phẩm gây ra tỷ lệ dị ứng cao cho người sử dụng. Vì vậy, hãy cẩn thận với cá và các sản phẩm từ cá.
Lúa mì
Lúa mì là loại ngũ cốc dễ gây dị ứng nhất trên thế giới. Lúa mì và các loại ngũ cốc khác có chứa gluten, thường xuyên gây dị ứng, đặc biệt dị ứng lúa mì là bệnh kéo dài suốt đời và không thể chữa khỏi. Nếu dị ứng với lúa mì, chú ý cần phải tránh tuyệt đối các sản phẩm chế biến từ loại thực phẩm này.
Gluten
Ngũ cốc có chứa gluten được tiêu thụ với số lượng lớn. Lúa mì là một trong những thực phẩm chủ yếu trên toàn thế giới, chiếm gần 50% nhu cầu calo hàng ngày của chúng ta. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng không dung nạp lúa mì hoặc gluten, việc xác định rõ ràng thường rất khó.
Rau cần tây
Một trong những dị ứng phổ biến hơn ở tuổi trưởng thành là với rễ cần tây. Các triệu chứng thường nhẹ, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng có thể sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
Mù tạt
Dị ứng mù tạt có lẽ là dị ứng gia vị phổ biến nhất. Mặc dù khả năng bị dị ứng mù tạt là rất thấp, nhưng các phản ứng thường rất mạnh. Dị ứng mù tạt thường xảy ra dưới dạng dị ứng chéo hoặc dị ứng bổ sung, rất hiếm khi là dị ứng duy nhất.
Hầu hết các chất gây dị ứng mù tạt đã biết đều ổn định với nhiệt và tiêu hóa và do đó không bị phá hủy trong quá trình sản xuất mù tạt. Những thứ này có thể gây ra phản ứng mạnh.
Cần làm gì khi bị dị ứng thực phẩm?
Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra một phương pháp cố định nào để điều trị dị ứng thực phẩm. Một số điều mà bạn có thể tham khảo để áp dụng trong điều trị dị ứng thực phẩm là: Trong trường hợp dị ứng nhẹ, cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng, có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm bớt các phản ứng dị ứng, giảm nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề,…
Trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng, ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và cấp cứu kịp thời. Có thể sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch. Sau đó sử dụng một trong 2 phương pháp: liệu pháp miễn dịch đường uống và Anti - IgE.
Phòng ngừa dị ứng thức ăn như thế nào?
Để phòng ngừa tình trạng dị ứng với thức ăn, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau đây: Tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng; xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể; nếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn không có nhãn mác, cần hỏi rõ nguồn cung cấp về thành phần; không sử dụng thực phẩm hết hạn, thực phẩm hỏng; hạn chế ăn uống bên ngoài; đối với trẻ nhỏ, nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn; tìm hiểu thông tin, kiến thức về dị ứng thực phẩm để có thể xử lý trong tình huống khẩn cấp…
Dị ứng thức ăn là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Trong nhiều trường hợp, phản ứng dị ứng có thể rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế cần có những hiểu biết về biện pháp phòng ngừa và xử lý khi gặp phải trường hợp dị ứng thực phẩm.
Hạ Thảo