Cuộc điện thoại lúc nửa đêm giành giật sự giống cho người đàn ông trẻ
Khoảng 21h ngày 24/8, một nam bệnh nhân trẻ 34 tuổi (trú tại Phú Thọ) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở. Theo người nhà, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng từ buổi chiều nhưng đến khuya mới vào viện.
Lúc này, bác sĩ Trần Thị Tố Uyên trực cấp cứu đã nhanh chóng gọi điện thoại cho đồng nghiệp đang ở nhà vào hỗ trợ.
Bác sĩ Nguyễn Việt Anh, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết thời điểm đồng nghiệp gọi điện thoại anh đã đi ngủ. Qua trao đổi, bệnh nhân nam còn rất trẻ có tiền sử hút thuốc lá, tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, khả năng cao là nhồi máu cơ tim cấp. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân nguy hiểm, huyết áp bắt đầu tụt.
Nam bác sĩ vội vàng thay quần áo và chạy thẳng vào Khoa Cấp cứu. Cùng thời điểm này, bác sĩ trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện cũng nhanh chóng đến viện. “Sau khi hội chẩn nhanh, bệnh nhân được chuyển vào phòng can thiệp ngay lập tức”, bác sĩ Việt Anh nói.
Sau gần 1 giờ can thiệp, mạch vành được tái thông, bệnh nhân tạm thời vượt qua nguy hiểm.
Nhồi máu cơ tim hay gặp ở người hút thuốc lá/thuốc lào, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì. Triệu chứng chính của bệnh là cơn đau thắt. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý về tim mạch.
Có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến tình trạng đột tử, hơn 90% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đến bệnh viện muộn, đánh mất "giờ vàng" khiến việc điều trị kém hiệu quả, để lại di chứng nặng nề. Cấp cứu nhồi máu cơ tim chính là cuộc đua khốc liệt của các bác sĩ can thiệp tim mạch để giành lại sự sống cho bệnh nhân từ cửa tử. Do đó, khi có dấu hiệu đau tức ngực, khó thở, người bệnh cần vào viện ngay lập tức.
Để phòng nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên bỏ thuốc lá, khám sức khỏe, tầm soát các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.