Hơn 1.400 nhân viên y tế thôn bản được nâng cao kiến thức ứng phó đại dịch
Sáng 18/12, tại Hà Nội diễn ra lễ tổng kết dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch Covid- 19 tại Việt Nam” (SPR-COVID).
Đại dịch Covid-19 không chỉ thách thức hệ thống y tế toàn cầu mà còn bộc lộ những khoảng trống trong công tác chuẩn bị và ứng phó tại cấp cơ sở.
Việt Nam cũng rút ra một bài học lớn rằng việc tăng cường năng lực của các xã/phường, là yếu tố cốt lõi giúp chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó hiệu quả với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Nhằm góp phần vào nỗ lực chung để thu hẹp những khoảng trống này, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) với sự tài trợ từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới đã thiết kế và triển khai Dự án "Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch Covid-19 tại Việt Nam" (SPR-COVID từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024 tại 27 xã thuộc 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Long An và Khánh Hòa.
Báo cáo tổng kết cho biết, sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được tất cả mục tiêu quan trọng bao gồm: Nâng cao năng lực phối hợp liên ngành tại cấp cơ sở nhằm chuẩn bị và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp;
Tăng cường năng lực cho cán bộ y tế xã/phường về phòng ngừa lây nhiễm tại trạm y tế, duy trì các dịch vụ y tế cơ bản trong bối cảnh đại dịch và hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến các ca nhiễm bệnh;
Tăng cường năng lực truyền thông bao gồm cả truyền thông nguy cơ cho lực lượng tuyến đầu và thực hiện các sáng kiến truyền thông để nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng dịch cho người dân cộng đồng; và giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Sau chương trình tập huấn bài bản, tất cả 27 xã dự án đã xây dựng được bản kế hoạch phối hợp liên ngành để chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch bệnh khác nhau và thực hành diễn tập họp ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của xã, phường trong tình huống dịch bùng phát.
1.011 cán bộ của 27 trạm y tế và 1.412 nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên y tế tại các huyện dự án đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản để ứng phó với đại dịch.
Nhiều sáng kiến truyền thông cộng đồng đặc sắc đã thu hút người dân tham gia tìm hiểu kiến thức và các kỹ năng phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
Kết quả đánh giá độc lập cuối kỳ cho thấy, tỷ lệ cán bộ y tế trong các xã/phường dự án có kiến thức tốt về Covid-19 và khả năng ứng phó với đại dịch, tăng lên gấp 2.7 lần, từ 28% đầu kỳ lên đến 75.6% vào cuối dự án.
Tỷ lệ người dân có kiến thức tốt về Covid-19 và cách phòng ngừa, ứng phó với đại dịch tăng lên gấp 2.6 lần, từ 37% đầu kỳ lên đến 95.7% vào cuối dự án.
Gần 6.000 người thuộc các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người bị ảnh hưởng bởi HIV, các nhóm dân tộc thiểu số và công nhân nhập cư đã tham gia vào các hoạt động của dự án, qua đó họ được kết nối với chính quyền và cán bộ y tế địa phương và được nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu tại lễ tổng kết, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng ISDS, Giám đốc Dự án nhấn mạnh: "Thành công của dự án là kết quả của sự tin tưởng và hợp tác hiệu quả giữa nhà tài trợ, đơn vị thực hiện dự án, lãnh đạo chính quyền và cán bộ y tế tại các địa phương cũng như các bên liên quan khác. Các mô hình mà dự án xây dựng không chỉ góp phần ứng phó với Covid-19 mà còn tạo tiền đề để chúng ta sẵn sàng hơn với những thách thức y tế khác trong tương lai".