Những tiến bộ của y học tái tạo cơ xương khớp
Trong 2 ngày (1- 2/11), Hội Thấp khớp học Thái Nguyên phối hợp cùng Sở Y tế Thái Nguyên và Bệnh viện A Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên TRA 2024 với chủ đề “Tiếp cận đa chiều trong xu hướng điều trị mới các bệnh cơ xương khớp”.
Hội nghị diễn ra với 4 phiên báo cáo và 2 hội thảo vệ tinh xoay quanh các xu hướng điều trị mới các bệnh lý cơ xương khớp, các bệnh khớp chuyển hóa, viêm khớp tự miễn, nhiễm khuẩn cơ xương khớp, thoái hóa xương khớp,…
Với tinh thần cởi mở và tiếp cận đa chiều, các phiên báo cáo và hội thảo về chủ đề y học tái tạo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và thảo luận sôi nổi đến từ các đại biểu.
Điều này phản ánh rõ tính cấp thiết của chủ đề trong bối cảnh ngành y tế các cấp từ trung ương đến địa phương đang tập trung cao độ để nâng cao hiệu quả điều trị.
Đồng thời, thể hiện tầm nhìn, định hướng đưa các thành tựu của y học tái tạo để phát triển ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe người dân của tỉnh Thái Nguyên.
Xu hướng điều trị mới
Trong báo cáo về "Tiềm năng tế bào gốc trung mô trong y học - Từ nghiên cứu đến ứng dụng lâm sàng” tại Hội thảo "Cập nhật những tiến bộ trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp bằng tế bào gốc trung mô”, ThS Nguyễn Hải Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Tế bào Mescells - đã cung cấp những kiến thức chuyên sâu về công nghệ tế bào gốc trung mô, cập nhật những ứng dụng mới nhất của công nghệ tế bào trên thế giới trong y học lâm sàng.
Đồng thời, báo cáo cũng làm rõ cơ chế hoạt động, tiềm năng tái tạo, tính an toàn của tế bào gốc trung mô với bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt trong điều trị các bệnh lý về gân, thoái hóa khớp, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và bệnh lý về cột sống.
Qua đó, chứng minh hiệu quả của tế bào gốc trung mô trong việc cải thiện chức năng, kháng viêm, giảm đau, hỗ trợ tạo mạch và phục hồi cấu trúc sụn khớp, xương mới cho bệnh nhân mắc bệnh lý cơ xương khớp.
Trong phần tọa đàm, dưới sự chủ trì của chủ tọa PGS. TS. Lưu Thị Bình - Chủ tịch Hội Thấp khớp học Thái Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, các bác sĩ, nhà khoa học đã tích cực đưa ra câu hỏi, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến chủ đề y học tái tạo.
Lợi ích của y học tái tạo
Cũng tại hội nghị, bên cạnh ứng dụng của tế bào trung mô, các chủ đề khác về y học tái tạo như ứng dụng PRP (huyết tương giàu tiểu cầu), tế bào gốc,… trong điều trị tổn thương gân, cơ, xương, khớp cũng nhận được sự quan tâm rất lớn trong phiên báo cáo thứ nhất.
Điển hình như trong bài cáo “Tế bào gốc trong điều trị bảo tồn hoại tử vô mạch chỏm xương đùi” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện TW Quân Đội 108 đã chỉ ra hướng đi mới trong điều trị bảo tồn chỏm xương đùi cho bệnh nhân bị hoại tử.
Trước đây, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi được coi là một bệnh rất khó để điều trị bảo tồn và gần như phải nghĩ đến phương án phẫu thuật thay khớp háng từ sớm. Hiện tại, y học tái tạo đã cung cấp cho bác sĩ thêm giải pháp điều trị bảo tồn hiệu quả, lâu dài.
Không những làm giảm đáng kể nguy cơ gãy đầu xương đùi, kéo dài thời gian sử dụng khớp háng tự nhiên, phương pháp điều trị mới ứng dụng tế bào gốc còn giúp bệnh nhân có thể tránh được những cuộc đại phẫu thay khớp háng phức tạp trong suốt cuộc đời. Điều này rất có ý nghĩa với những bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật hoặc còn trẻ tuổi.
Tại phiên báo cáo thứ tư với chủ đề “Tiếp cận đa chiều trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Châu, PGS.TS. Trần Thị Minh Hoa, TS. Nguyễn Viết Dũng và TS. Triệu Văn Mạnh làm chủ tọa, vấn đề về cách kết hợp của các liệu pháp y học tái tạo với các phương pháp truyền thống tiếp tục được thảo luận nhằm mang đến hiệu quả điều trị an toàn, tối ưu, hiệu quả nhất cho bệnh nhân.