Bốn giải pháp để trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện từ nay tới năm 2025 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm toàn xã hội trong công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Internet mang lại những hiệu quả tích cực, giúp trẻ em có cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường mạng. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ.
Trong đó, ngoài việc sử dụng internet thường xuyên dẫn đến tình trạng “nghiện”, thần kinh dễ bị bất ổn, còn có những thông tin, hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thậm chí, các em còn là đối tượng để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc… Điều này đã và đang trở thành thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây là trách nhiệm không chỉ với các bậc phụ huynh mà còn của cả xã hội.
Huyện Tuần Giáo đề ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Tuần Giáo đưa ra 4 giải pháp thực hiện:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, huyện sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em trong việc quản lý, giám sát trẻ em tiếp cận và tương tác trên môi trường mạng.
Đề xuất nghiêm cấm mọi hình thức tạo lập, chỉnh sửa, cắt ghép, lưu trữ, chia sẻ, mua bán, phát tán với mục đích vi phạm pháp luật các hình ảnh, video clip trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục. Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, ứng dụng và nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. |
Thứ hai, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng trong đó đổi mới cách thức, nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội. Tăng cường thông tin trên hệ thống thông tin đại chúng của huyện số điện thoại đường dây nóng Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (tổng đài 111) tiếp nhận thông tin báo cáo xâm hại trẻ em và địa chỉ liên hệ của các trung tâm, tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp.
Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng Internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.
Triển khai, áp dụng các sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ học tập trên môi trường mạng để trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả và an toàn. Biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt đối với các hình thức tuyên truyền trên Internet về quyền trẻ em và trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.
Thứ ba, triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Ngành giáo dục và đào tạo tích cực đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; góp phần thực hiện chuyển đổi số một cách an toàn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Thứ tư, nâng cao năng lực thực thi pháp luật như tiếp tục cử đội ngũ cán bộ đi đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng.
Xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm.
Khánh Chi