34 nghìn tỷ đồng đổi mới SGK: Chúng ta mới làm phần ngọn
Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) băn khoăn: “Số tiền khủng khiếp 34 ngàn tỷ đồng chi cho Đề án đổi mới sách giáo khoa, theo tôi làm thế nào mà tiêu hết được ngần ấy tiền? Tôi nghĩ đề án khó khả thi, khó thuyết phục được Quốc hội…”
PGS.TS Khuyến phân tích: “Tôi nghĩ rằng, cần đổi mới tái lại cấu trúc hệ thống giáo dục đã rồi hãy tính đến chuyện đổi mới sách giáo khoa. Đến năm 2015, chúng ta nên tái cấu trúc hệ thống giáo dục là 30% là trung học nghề, 50% là trung học phổ thông, 20% sơ cấp nghề… Còn hiện nay, hệ thống giáo dục của chúng ta có đến tới 90% là THPT, cho nên đổi mới sách giáo khoa, Bộ mới tính đến lượng tiền nhiều đến vậy…”
Chúng ta nên đổi mới cấu trúc hệ thống giáo dục trước |
Theo PGS.TS Khuyến, nếu mà chúng ta làm được phương án giảm lượng trung học phổ thông đi, tăng số lượng trung học nghề lên, lấy một phần vốn chuyển sang cho trung học nghề thì đâu dùng đến 34 ngàn tỷ đồng? Thực trạng hiện nay chưa hề có trung học nghề, mà mới chỉ có trường nghề kết hợp…
Vì vậy, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cần phải làm từ gốc, và không có cách nào khác là phải tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục. Sau đó mới nói đến chuyện đổi mới hệ thống sách giáo khoa, chứ làm kiểu này thì khó thuyết phục lắm! Đây là đổi mới từ ngọn mất rồi.
PGS.TS Khuyến dẫn dụ: “Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết phải thiết kế, tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục đã, rồi chúng ta hãy tính đến chuyện đổi mới sách giáo khoa. Nếu mà chúng ta đổi mới sách giáo khoa trước là đi ngược, là đổi mới phần ngọn, còn gốc vẫn không thay đổi…
Theo PGS.TS Khuyến, đổi mới SGK mà chưa tái cấu trúc hệ thống là đổi mới từ ngọn |
Nếu không khi đổi mới sách giáo khoa rồi sau đó mới thiết kế tái cấu trúc lại hệ thống, chúng ta lại đầu tư tiền một lần nữa cho việc đổi mới sách giáo khoa. Vừa rồi, Bộ có dựng lên đề án tính đến tái cấu trúc lại hệ thống, và mới chỉ tính đến THPT, không tính đến trung học nghề, và lại tiếp tục xin tiền ngân sách để đầu tư cho trung học nghề… sau đó không thấy gì. Rõ rằng Bộ dựng lên rồi lại bỏ đó, dựng lên rồi lại quên lãng, không thuyết phục.
“Nếu mà tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục, số tiền đầu tư đổi mới sách giáo khoa cho trung học nghề và trung học phổ thông, tôi nghĩ chắc không đến số tiền lớn đến vậy… Đời tôi, khi đương chức ở Bộ, chỉ chi đến 10 tỷ thôi, chứ không dám nghĩ tới con số ngần ấy tiền, quá là lớn…”
Theo PGS.TS Khuyến, chúng ta đổi mới nên đổi mới chương trình, còn đổi mới sách giáo khoa, Bộ nên huy động nhiều nhóm tác giả tham gia viết. Sau đó, Bộ thành lập ra Hội đồng để duyệt.
Nếu Bộ cảm thấy duyệt được và ý kiến dư luận đồng tình, lúc đó Bộ in ấn, phát hành và xử lý theo về tài chính trên cơ sở tài liệu đó được phát hành. Tránh viết ra nhiều bộ sách giáo khoa, rồi sẵn tiền nhà nước, bỏ bộ này dùng bộ sách kia là quá lãng phí tiền ngân sách…