13% dân số Hà Nội là người cao tuổi, làm gì để nâng cao chất lượng sống nhóm này?
Thống kê từ Hội người cao tuổi TP Hà Nội cho biết, tính đến tháng 3/2022, Hà Nội có 1.044.590 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 13% dân số thành phố. Trong đó, có gần 6 vạn người cao tuổi có công với nước, trên 29 vạn hưu trí, hơn 67 nghìn người cao tuổi đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở.
Với chủ đề truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10/2022 "Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Chủ động thích ứng với già hóa dân số"; thực hiện kế hoạch UBND TP về hưởng ứng Ngày quốc tế người cao các quận huyện, ban ngành Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động (thăm khám, chăm sóc ) sức khoẻ cho người cao tuổi.
Cụ thể, từ ngày 23/9 đến ngày 14/10, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng phối hợp với Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Mắt Hà Nội và các bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn quận tổ chức đợt khám và chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa và có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến sẽ có trên 3,8 nghìn người cao tuổi được khám và chăm sóc sức khỏe trong đợt này.
Tại buổi khám sức khỏe, các cụ cao tuổi đã được các y, bác sĩ đã tiến hành khám tổng quát, khám lâm sàng các chuyên khoa và siêu âm. Qua đó phát hiện các bệnh về huyết áp, tim mạch, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt,… và một số bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi.
Ngoài khám bệnh, kê đơn điều trị các bệnh thông thường, các bác sĩ sẽ gửi đi khám chuyên khoa các trường hợp cần thiết.
Trong quá trình khám bệnh, người cao tuổi còn được tư vấn về chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, các kiến thức về rèn luyện thân thể như thể dục thể thao, các hoạt động giải trí phù hợp để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là một số bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi như tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, các bệnh về mắt...
Tại huyện Thạch Thất, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Dân số, TTYT huyện Đan Phượng cho biết, sau khi nhận danh sách người cao tuổi tại các xã, thị trấn do Hội người cao tuổi gửi sang, TTYT sẽ tiến hành bố trí nhân lực, máy móc khám tổng quát cho các cụ.
Thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 30/9, đối tượng gồm những người cao tuổi chưa được khám sức khoẻ trong 1 năm trên 16 xã, thị trấn. Nhân viên y tế sẽ đến từng xã khám cho các cụ.
Theo báo cáo, tính đến ngày 30/9/2022, toàn huyện Đan Phượng có 25.280 người cao tuổi, chiếm 13,6 % dân số, có 122 Chi hội người cao tuổi có 25.090 hội viên. Có 18 Câu lạc bộ liên thế hệ có 1035 người tham gia, duy trì 157 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có 4.465 người người cao tuổi với nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho người cao tuổi.
Tượng tự, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh lý ở người cao tuổi nhân tháng hành động vì người cao tuổi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã tổ chức buổi tập huấn chuyên môn với nội dung "Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi".
Theo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trước thực trạng tại Việt Nam, già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng. Theo đó, mô hình bệnh tật cũng thay đổi, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính, các bệnh thoái hoá, trong đó có sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ là một trong các hội chứng thần kinh nguy hiểm thường gặp ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trí nhớ, suy nghĩ và ngôn ngữ của người bệnh. Nếu được phát hiện sớm, người bệnh sẽ được chăm sóc và điều trị, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Những hoạt động trên thể hiện sự quan tâm chăm sóc đến cuộc sống của người cao tuổi, tạo môi trường thuận lợi để Người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội; xây dựng hình ảnh người cao tuổi "Tuổi cao - Gương sáng"; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Trước đó, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về hướng ứng Ngày quốc tế người cao tuổi. Trong đó tập trung vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Từ đó nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuổi, nhất là ở gia đình và cộng đồng. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về: Quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; từng bước xóa bỏ định kiến cũ về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão). |
N. Huyền