Xuất khẩu sang Anh không khó như doanh nghiệp tưởng
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp Việt Nam sau hai năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên Hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) có hiệu lực, ông Ngô Trung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương – cho rằng bên cạnh các tiêu chuẩn về hàng hoá mà phía đối tác yêu cầu, các doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý đến những vấn đề vĩ mô.
Không nằm ngoài xu thế chung của toàn cầu, nền kinh tế Anh cũng đang gặp khó khăn. Chính phủ Anh đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Khi lạm phát tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ giảm, điều này đã tác động rõ rệt đến ngành dệt may và da giày của Việt Nam khi đơn hàng từ Anh hay châu Âu đã sụt giảm mạnh.
“Bối cảnh hiện nay đặt ra những thách thức nhất định để chúng ta duy trì động lực tăng trưởng như trong thời gian vừa qua”, ông Ngô Trung Khanh nói. “Tuy nhiên cũng có những thuận lợi, đó là các doanh nghiệp đã đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình triển khai, từ đó họ sẽ học hỏi lẫn nhau”.
Ông Khanh chia sẻ câu chuyện thành công của Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp này bước đầu đã xuất khẩu được 1.000 tấn gạo thương hiệu của riêng họ sang thị trường Anh, thay vì phải đi gia công như trước đây.
“Những doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Anh thành công họ sẽ chia sẻ để các doanh nghiệp khác học theo. Các doanh nghiệp sẽ nhận ra rằng con đường đưa hàng đến thị trường Anh không khó như họ nghĩ. Chỉ cần tự tin, biết cách làm thì sẽ làm được”, ông Ngô Trung Khanh chia sẻ.
Bên cạnh cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ đúc kết được kinh nghiệm trong quá trình thực thi để định hướng hoạt động thực thi, tuyên truyền sát với thực tiễn, trúng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng hành một cách hiệu quả hơn với cộng đồng doanh nghiệp.
Về khó khăn trước mắt, đại diện Bộ Công thương cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tư duy của doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp hài lòng với những gì đang có hay sẵn sàng tiến xa hơn.
“Có những doanh nghiệp hiện đang tập trung xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, khi đặt câu hỏi tại sao không mạnh dạn khai phá thị trường Anh, EU hay Canada, họ trả lời một cách thiếu tự tin rằng doanh nghiệp Việt chưa đủ khả năng tham gia những thị trường này”, ông Khanh nói.
Điều này cho thấy không ít các doanh nghiệp hiện đang mang trong mình tư duy hài lòng với hiện tại. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ tư duy như vậy, những lợi thế mà UKVFTA mang lại sẽ không được khai thác hiệu quả, tối đa.
Thực tế việc Vương quốc Anh đang gia tăng quan hệ với các đối tác thương mại sau Brexit, cũng như việc Việt Nam đang tích cực tham gia các FTA thế hệ mới đã tạo nhiều cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên có thể tăng cường cơ hội hợp tác. Tuy nhiên, Vương quốc Anh cũng đang đẩy mạnh đàm phán và ký kết thêm nhiều FTA với các đối tác thương mại khác, trong đó có cả các quốc gia thuộc ASEAN. Điều này đồng nghĩa với việc lợi thế cạnh tranh của chúng ta sẽ sớm qua đi nếu doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt cơ hội.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), trong bối cảnh cạnh tranh về địa chính trị như hiện nay, các quốc gia có xu hướng tăng cường tự chủ cũng như độc lập về kinh tế. Tư duy đa dạng hoá cũng phần nào được thể hiện dưới góc độ khác, họ không muốn “hết mình” với một đối tác nào cả. Điều này cho thấy quá trình hợp tác với các nền kinh tế lớn sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Ở chiều ngược lại, với UKVFTA, Việt Nam lại có thêm cơ hội làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại với Vương quốc Anh.
Cũng theo ông Dương, trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự chuyển dịch tương ứng, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển đầu tư về gần với đất nước của họ hơn. Thế nhưng với Anh, họ có xu hướng đa dạng hoá các địa điểm, đặc biệt là sang các nước khu vực Đông Nam Á.
“Đây cũng có thể là lợi thế để Việt Nam và Vương quốc Anh cùng hợp tác và vượt qua giai đoạn bất định này. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận phía Vương Quốc Anh cũng đang trong bối cảnh khó khăn mà không phải trực tiếp từ phía họ. Ví dụ như câu chuyện giá năng lượng tăng cao, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng… cũng làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng hàng hoá của Việt Nam sang Anh”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng lợi thế trong ngắn hạn. Chẳng hạn như xuất khẩu cá tra vừa qua đã tận dụng cơ hội từ việc Anh hạn chế nhập khẩu mặt hàng này từ Nga.
“Những doanh nghiệp quá thận trọng, không mạnh dạn tìm hiểu thị trường mới sẽ không nhận ra, nhưng với doanh nghiệp tận dụng được những cơ hội mới trong ngắn hạn thì đó lại là cơ hội không thể bỏ lỡ.”, ông Dương nói.
Hiền Anh