Xây dựng văn hóa nhà trường là chương trình đào tạo ẩn
Hiện nay, vấn đề xây dựng văn hóa học đường không chỉ là mong muốn của ngành giáo dục mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội. Mỗi khi xảy ra các vụ bạo lực học đường hoặc những hành vi thiếu chuẩn mực của giáo viên, học sinh, dư luận lại đặt ra câu hỏi phải làm sao để bộ quy tắc ứng xử văn hóa ở cơ sở giáo dục đi vào thực tiễn.
Nhìn nhận về vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, xây dựng văn hóa nhà trường được coi là chương trình đào tạo ẩn. Thông qua chương trình này, người làm giáo dục sẽ góp phần tạo dựng nên các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, nhà trường với phụ huynh và hình thành đặc điểm, tính cách của người học.
Trong chương trình này, nhà trường cần xác định những nhân tố văn hóa và dạy cho các thế hệ học trò. Chương trình đào tạo ẩn phải được giảng dạy thông qua các hoạt động của nhà trường chứ không phải thông qua giáo viên chịu trách nhiệm giảng dạy văn hóa. Chương trình là tất cả những gì thâm nhập vào người học, bao gồm cả những điều không được giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Để làm được điều đó thì chương trình phải có sự kết hợp của tất cả lực lượng trong và ngoài nhà trường, bao gồm yếu tố vật chất và tinh thần của nhà trường hàng ngày, hàng giờ tác động đến mỗi học sinh, giáo viên. Nhà trường thông qua sự tác động đó để hình thành nên định hướng cuộc sống, thái độ đối với việc học tập cho người học.
Ảnh minh họa |
Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, văn hóa nhà trường giúp mỗi người thấy rõ mục đích, ý nghĩa và bản chất công việc của mình, tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong trường, tạo ra môi trường dạy học thân thiện, tin cậy.
Bên cạnh đó, vị giáo sư nhấn mạnh văn hóa nhà trường tạo nên động lực làm việc cho cán bộ, giáo viên, động lực học tập cho học sinh. Động lực làm việc của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhu cầu, bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần. Vật chất được xem là những nhân tố kìm hãm, không làm cho con người thỏa mãn nhưng nhân tố tinh thần là nhóm nhu cầu bậc cao.
Mục đích chính của hoạt động giảng dạy trong nhà trường là trau dồi tri thức và rèn luyện các thế hệ học trò. Vì thế, nghề dạy học đòi hỏi tính khoa học, nghệ thuật và sáng tạo cao.
Với tính chất nghề nghiệp lao động trí óc và ảnh hưởng tới nhiều số phận học trò, mỗi giáo viên phải trở thành hình ảnh mẫu mực đối với học trò trong công việc và cuộc sống. Điều này chỉ có thể đảm bảo khi bản thân giáo viên có tính định hướng rõ ràng, say mê và tình yêu nghề nghiệp.
Văn hóa nhà trường tích cực sẽ tạo ra động lực cho giáo viên say mê làm việc. Đến lượt học trò lại được học tập, rèn luyện với các thầy, cô mẫu mực để trở nên ưu tú hơn. Đây chính là vòng tuần hoàn các giá trị sinh ra từ chương trình đào tạo ẩn về văn hóa nhà trường.
Hoàng Thanh