Vụ nữ sinh lớp 8 đánh nữ sinh lớp 7 trên cầu: Cần khéo léo khi dạy quy tắc ứng xử học đường cho lứa tuổi mới lớn
Theo chuyên gia giáo dục, nhà trường cần khéo léo kết hợp giáo dục đạo đức và bộ quy tắc ứng xử học đường cho học sinh lứa tuổi này để các em tránh xa bạo lực học đường.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị nữ sinh khác đánh và lột đồ. Theo clip thì một nữ sinh mặc áo đen liên tục dùng tay đánh đập vào vùng đầu nữ sinh mặc áo trắng, bất chấp bị hại quỳ gối khóc van xin. Chưa dừng lại, nữ sinh áo đen còn lột đồ, kéo lê nữ sinh áo trắng. Lúc này, có nhiều người có mặt tại hiện trường nhưng không ai can ngăn.
Qua tìm hiểu được biết, hai nữ sinh trên là học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, clip ghi lại tại cầu Bình Đào (cầu nối xã Bình Đào và xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Nữ sinh áo trắng quỳ van xin nhưng vẫn bị đánh (ảnh cắt từ clip) |
Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Hiền (xã Bình Đào) đã xác nhận, nữ sinh bị đánh trong clip em P.T.B.T (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Hiền). Nữ sinh đánh người là em A. (lớp 8, Trường THCS Hoàng Diệu, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình).
Thông tin ban đầu, hai nhóm học sinh của Trường THCS Nguyễn Hiền và THCS Hoàng Diệu quen nhau qua mạng. Chiều 6/5, những em này hẹn nhau đến cầu Bình Đào giải quyết mâu thuẫn.
Em T. đến điểm hẹn với hai em khác nhưng hai em này bị nhóm A. khống chế nên không thể can ngăn sự việc. Hiện em T. đã được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị.
Liên quan đến vụ việc này, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết các em này đang ở lứa tuổi rất đặc thù nên việc giáo dục bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cũng cần khéo léo lồng ghép trong nội dung bài học.
“Giáo viên bằng những kỹ năng sư phạm của mình phải biết chuyển hóa nền tảng lý thuyết thành những hành động hữu ích để học sinh nhận biết và chủ động nói không với bạo lực học đường.
Đặc biệt, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học, các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử theo hướng cụ thể hóa các mục tiêu, hành động và có chế tài xử lý cũng như hình thức khen thưởng với các cá nhân vi phạm hoặc thực hiện tốt.
Theo tôi, ngoài giáo dục nhà trường thì giáo dục từ phía gia đình cũng rất quan trọng”, cô Loan cho hay.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam rất chú trọng mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học góp phần hạn chế bạo lực học đường nên những vụ việc như trên còn xảy ra là điều rất đáng tiếc.
Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam từng cho biết, Sở đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục, coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Ngoài ra, các trường học trên địa bàn còn tăng cường giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức nhân văn trong học sinh bằng nhiều hình thức như tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế, tặng quà tại các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà dưỡng lão; hỗ trợ bạn gặp khó khăn...
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Quảng Nam đã có khoảng 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Nhiều trường học ở các địa phương trong tỉnh đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trong đó, công tác tuyên truyền được toàn ngành đặt lên hàng đầu. Không chỉ vậy, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử cũng được thắt chặt, tăng cường hơn trước.
Nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, kịp thời phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin học sinh, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình người học, cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường internet, mạng xã hội.
Hoàng Thanh