Vĩnh Phúc huy động hơn 4.000 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới
Cụ thể, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các địa phương còn lại ở giai đoạn hoàn thiện những hạng mục còn lại để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 theo đúng kế hoạch.
Gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của chương trình.
Giai đoạn 2011-2016, Vĩnh Phúc đã huy động gần 8.968 tỉ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình dự án khác... thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Giai đoạn 2017-2020, Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên 4.000 tỉ đồng.
![]() |
Nông thôn mới tại Vĩnh Phúc |
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức 373 lớp tập huấn cho hàng chục nghìn lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình tốt, cách làm hay, tiêu biểu ở trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, cho đến nay toàn tỉnh xây mới được 2.035 phòng học kiên cố, trong đó bậc Mầm non xây mới 1.012 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 89%, tăng 38% so với năm 2010; bậc Tiểu học xây mới 795 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 93%, tăng 9% so với năm 2010; bậc Trung học cơ sở xây mới 228 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 96%, tăng 5% so với năm 2010. Giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh có thêm 196 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 80 trường Mầm non, 20 trường Tiểu học và 96 trường Trung học cơ sở.
Đây là những điều kiện thuận lợi để phong trào "Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa ”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” phát triển rộng khắp ở các địa phương, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn ổn định và phát triển.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trạm y tế xã tiếp tục được đầu tư, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiếm y tế đạt 85%; tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập THCS ở 100% số xã, có 94,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bố túc, học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; 71,8% số thôn đạt thôn văn hóa 05 năm liên tục.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố và các xã cũng đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM tại địa phương đi học tập kinh nghiệm tại các xã, huyện tiêu biểu ở trong và ngoài tỉnh. Thông qua đào tạo, tập huấn, lực lượng cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, nhất là cấp xã nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng thực hiện các nội dung xây dựng NTM để vận dụng vào thực tế địa phương.
Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2020, có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cụ thể, năm 2019 thẩm định, đề nghị công nhận huyện Lập Thạch đạt chuẩn NTM. Năm 2020 hoàn thiện hồ sơ thẩm định các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương và Sông Lô đạt chuẩn NTM.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã còn lại, Vĩnh Phúc đã ban hành quy định về điều kiện, tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, thôn dân cư NTM, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019 – 2020.
Đây là cơ sở để các địa phương tiếp tục xây dựng NTM, xây dựng những đặc trung cho mỗi địa phương, nâng cao đời sống kinh tế cũng như tinh thần cho nhân dân.