'Việc nhẹ, lương cao' - cạm bẫy bên kia biên giới khiến nhiều người 'sa lầy'
Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai cho biết: Sau dịch bệnh Covid-19, nhu cầu tìm việc làm của người dân khu vực biên giới tăng cao. Các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để lừa bán nạn nhân vào các casino bên kia biên giới, rồi bóc lột sức lao động, tạo cớ vi phạm để đòi tiền chuộc.
Vụ việc 7 thanh niên ở làng Kloong mà BĐBP Gia Lai lập chuyên án triệt phá thành công là một trong những vụ việc điển hình mà nếu không kịp thời phát hiện để xử lý nhanh chóng, dứt điểm thì sẽ tiếp tục xảy ra các vụ việc dụ dỗ, lừa gạt đưa người sang Campuchia.
Theo cơ quan BĐBP, hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng, có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, ép kết hôn trái pháp luật và bóc lột tình dục…
Ngoài ra, hoạt động tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép (tội phạm nguồn của mua bán người) cũng diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số nạn nhân và mức độ nghiêm trọng.
Gần đây, nổi lên hoạt động của các đối tượng người Việt Nam tại nước ngoài câu kết với đối tượng ở trong nước quảng cáo trên các trang mạng xã hội để tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao”; sau đó tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài (cả hợp pháp và trái phép) để ép buộc làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến hoặc lừa đảo sử dụng công nghệ cao.
Nếu không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, giam giữ; số lao động này muốn trở về Việt Nam thì bị ép phải trả tiền chuộc... dẫn đến việc một số lao động phải trốn chạy và nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Tại tỉnh Gia Lai, khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc 7 xã của 3 huyện biên giới là Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Thành phần dân tộc thiểu số chiếm tới 65,94%.
Thời gian qua, các đối tượng xấu triệt để lợi dụng một bộ phận người dân đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc lậu... để lôi kéo, tham gia vào các hoạt động phạm pháp.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, ít hiểu biết về pháp luật và nhu cầu tìm việc làm của một bộ phân dân cư trên biên giới, nhất là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, thông qua các mạng xã hội, các đối tượng đăng bài tuyển dụng lao động để lừa đảo, lôi kéo người dân trên địa bàn biên giới đi làm việc ở ngoại tỉnh với mức lương cao với mục đích đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia nhằm cưỡng bức, bóc lột sức lao động rồi đòi tiền chuộc.
Nguyễn Vũ