Trung tâm đào tạo gặp khó trong việc đầu tư cabin tập lái xe
Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT quy định, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023.
Theo quy định, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2023/1/14/z3938968914164f24a6c6477b64051e20c7f0862692d96-16703452482331421032924-639.jpg?width=0&s=CFnlx7AUeJjifYbEK2pfIQ)
Trao đổi với PV Infonet, Ông Vũ Đăng Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức (tỉnh Hải Dương) cho biết, bản thân ông có hai lần được "mục sở thị" cái gọi là cabin tập lái. Lần thứ nhất là trong chuyến tập huấn hướng dẫn sửa đổi bổ sung quy định đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ vào cuối tháng 5/2022. Lần thứ hai, cách đây hơn 1 tháng và như ông nói là "anh em làm đào tạo lái xe ở Hải Dương nóng ruột quá" nên chủ động tổ chức một "đoàn tham quan" từ Hải Dương lên khu công nghệ cao Láng – Hoà Lạc, vào hẳn trụ sở nhà cung cấp thiết bị, xem và lái thử.
"Khi dự tập huấn ở Quảng Ninh cuối tháng 5, một đơn vị có mang cabin tập lái đến giới thiệu và có báo giá khoảng 420 triệu, nhưng bây giờ vẫn chưa có con số chính thức. Thời điểm đó, tôi có hỏi người phụ trách kỹ thuật của đơn vị thì được trả lời, nếu nhiều đơn vị cùng đặt hàng thì để sản xuất 100 cabin tập lái phải mất khoảng 3 tháng", ông Dung nhớ lại và cho biết, như đơn vị của ông (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Sát hạch lái xe Việt Đức), với lưu lượng khoảng 5.000 học viên thì phải cần 10 – 15 cabin tập lái, tương đương 6 – 7 tỷ đồng, chưa kể các chi phí vận hành, bảo trì...
"Mỗi chiếc cabin chiếm diện tích khoảng 4 – 5m2 nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 2 phòng để đặt thiết bị. Chúng tôi lo lắm chứ, 31/12/2022 là phải kết thúc việc lắp đặt, có nghĩa ngay từ giờ đã phải có thiết bị rồi để còn kê lắp, kết nối, thử nghiệm. Trong khi đến giờ chúng tôi cũng chưa biết ai là nhà cung cấp, cabin bán ở đâu…", ông Dung bộc bạch.
Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay: "Vừa qua, một số nhà cung cấp có giới thiệu sản phẩm cabin chưa được "hợp quy", anh em có phản ánh là khi ngồi trải nghiệm thực tế khoảng 10 đến 15 phút thì thấy chóng mặt, như kiểu say xe. Vấn đề này cần phải lưu ý trong việc xem xét, đánh giá thiết bị đủ điều kiện cấp chứng nhận hợp quy, bởi có những người 60 tuổi vẫn đi học lái xe".
Cũng theo ông Quyền, việc có quá ít đơn vị cung ứng cabin tập lái ra thị trường thì nguy cơ giá sẽ bị đẩy lên rất cao, dễ dẫn đến độc quyền.
"Cách đây mấy tháng, một số nhà cung cấp khác có giới thiệu cabin chưa được "hợp quy", giá từ 400 – 430 triệu đồng, nhưng đến ngày 5/12 thì có thông tin nói là đơn vị vừa được công nhận hợp quy này đang chào bán cabin tập lái lên đến 550 triệu đồng.
Bảo Khánh