Trồng gừng bán ế, cô gái chuyển sang chế biến trà gừng, đắt hàng không tưởng
Không ngờ, cũng từ đó gia đình chị có hẳn cơ sở chuyên sản xuất trà gừng, mỗi năm bán chục nghìn sản phẩm, tương đường 5-6 tấn gừng nguyên liệu.
Chị Nguyệt nhớ lại, năm 2017, thấy bố mẹ vất vả trồng trọt nhưng gừng làm ra lại không bán được, năm đó chị vừa lấy xong bằng thạc sỹ ngành kiến trúc xây dựng, đang có nhiều thời gian rảnh nên chị chế biến gừng thành mứt, gừng lát phơi khô để bán hộ bố mẹ nhưng cũng không được bao nhiêu.
Tình cờ một người bạn của chị gợi ý cách làm trà gừng truyền thống của người Nhật, chị Nguyệt cảm thấy rất hứng thú. Chị mua thử sản phẩm trà gừng Nhật Bản, Hàn Quốc về dùng thử.
Chị Nguyệt cho biết, trà gừng trên thị trường chủ yếu là dạng bột gói, còn trà gừng dưới dạng lỏng, siro lại là sản phẩm mới mà thị trường trong nước chị chưa thấy.
Chính vì thế chị đã bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm. Sản phẩm trà gừng dưới dạng lỏng đã tích hợp cả đường, mật ong chanh do đó việc pha chế rất thuận lợi, không cần phải thêm bất cứ một thành phần nào, rất nhanh và tiện lợi để có ly trà gừng đậm vị.
Quá trình nghiên cứu chị gặp rất nhiều thất bại, có lần nấu xong, để qua một đêm trà gừng đã bị hỏng và phải thử rất nhiều lần chị mới tìm ra được hương vị hài lòng nhất, theo khẩu vị của người Việt Nam. Mất hơn 1 tháng, chị Nguyệt mới thành công.
Theo chị Nguyệt, nguyên liệu để làm trà gừng phải là loại gừng sẻ Việt Nam, củ già. Sau khi rửa sạch, cạo vỏ, để ráo rồi mang đi xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, trộn với đường phèn, mật ong theo tỷ lệ phù hợp rồi mang đi chưng cô đặc trong nhiều giờ sẽ ra thành phẩm trà gừng dạng siro.
Thành công cho ra sản phẩm với hương vị thơm ngon, đậm đà, chị mời người thân dùng thử: “Thấy ai cũng nói “ok ok”, lúc đó tôi mới đem bán thử online trên mạng xã hội facebook và được bạn bè ủng hộ, tin dùng. Người này giới thiệu người kia, dần dần sản phẩm được nhiều người biết đến và có nhiều đơn đặt hàng”, chị Nguyệt nói.
Nhận thấy đây là sản phẩm tiềm năng, chị Nguyệt đầu tư mua thêm máy móc để xay, ép, thiết kế bao bì, mẫu mã, nghiên cứu để kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm từ 1 lên 2 tháng.
Năm 2019, gia đình chị đã đăng ký hộ kinh doanh cá thể để sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang tên “Trà gừng Tâm Nguyên”.
Chị mang sản phẩm trà gừng tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do Đà Nẵng tổ chức, qua đó kết nối được nhiều khách hàng, đặc biệt là khách sỉ và chủ quán cafe.
Sản phẩm hiện nay được phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị, quán cafe trên địa bàn cũng như qua mạng xã hội, các trang thương mại điện tử.
Chị Nguyệt cho biết, ngoài sản phẩm trà gừng, cơ sở sản xuất của gia đình chị hiện có thêm sản phẩm siro nước cốt nghệ tươi, bột gừng sấy lạnh, bột nghệ sấy lạnh.
Các sản phẩm đều tốt cho sức khoẻ, hỗ trợ điều trị rối loạn hô hấp, đau dạ dày, chống viêm, cải thiện lưu thông máu… Đặc biệt, sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản.
Theo chị Nguyệt, tuy sản phẩm có hạn sử dụng ngắn chỉ 2 tháng nhưng người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm sản xuất thủ công truyền thống, không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên được khách hàng tin tưởng, chọn mua.
Cơ sở sản xuất trà gừng Tâm Nguyên hiện tạo việc làm cho 5 lao động gia đình và 2 lao động tại địa phương. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 6 tấn gừng nguyên liệu của người nông dân, giúp người nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Sản phẩm bán ra của cơ sở cũng tăng dần theo từng năm. Như năm 2020, lượng đầu chai bán ra là 7.000 chai, sang năm 2021 là 8.400 chai và 9 tháng đầu năm 2022 bán ra gần 9.500 chai. Sản phẩm bán chạy nhất vào mùa Thu- Đông, mỗi ngày có thể tiêu thụ 200-300 chai.
Năm 2021, sản phầm trà gừng Tâm Nguyên của gia đình chị đã được UBND Đà Nẵng công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố.
Về kế hoạch trong thời gian tới, chị Nguyệt cho hay, trong năm 2023, chị sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chị sẽ nghiên cứu, tận dụng xác gừng nghệ để làm xà bông hữu cơ.
Diệu Thuỳ