Giám đốc trẻ khởi nghiệp từ 500 triệu làm chủ đại lý lớn sản phẩm công nghệ
Chia sẻ với PV Infonet về câu chuyện khởi nghiệp của mình, Giám đốc Công ty TNHH Mi Hà Nội Đinh Viết Phong cho hay, chỉ sau vài tháng mở công ty, đại dịch Covid-19 ập đến khiến vị giám đốc trẻ 9X phải xoay như chong chóng.
Học quản trị kinh doanh, thương mại điện tử tại Singapore, năm 2011 Phong về nước và làm việc tại một số nơi như VCCorp, VTV, VTC… với nhiều công việc khác nhau.
Đến năm 2017, Phong quyết định khởi nghiệp với Xiaomi bằng việc mở cửa hàng bán lẻ các thiết bị như vòng đeo tay, sạc dự phòng, tai nghe tại Hà Nội… với số vốn khoảng 700 triệu đồng. Trong đó, 500 triệu đồng có từ tiền tích lũy sau nhiều năm đi làm và 200 triệu đồng vay ngân hàng.
Do đã có kinh nghiệm kinh doanh thiết bị đầu cuối khi làm ở VTC, sẵn quan hệ trong ngành nên khi khởi nghiệp cũng dễ dàng hơn so với việc bắt đầu từ con số 0.
Vì thế Phong thực hiện chiến lược kinh doanh đẩy sản phẩm lên thương mại điện tử, bán sản phẩm.
Thời gian làm việc tại VTC, Phong có cơ hội làm việc với hãng Xiaomi và như có ‘duyên’; tháng 8/2019, Công ty TNHH Mi Hà Nội ra đời và là đại lý ủy quyền của hãng Xiaomi Việt Nam, chuyên về đồ gia dụng thông minh.
Các sản phẩm tập trung vào tập khách hàng trẻ, độ tuổi từ 25-34.
Tuy nhiên, mở công ty được vài tháng thì đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến, nhân sự nghỉ việc chỉ còn 6 người; sản phẩm không bán được. Phong quyết định chuyển hướng, tập trung tất cả số vốn chỉ nhập 2 sản phẩm về bán là máy lọc không khí và hút bụi chăn ra gối đệm; không bán dàn trải vài chục sản phẩm như trước.
Tại Việt Nam, công ty của Phong là nơi đầu tiên bán ra thị trường máy hút bụi cho chăn ga gối đệm. Tình cờ, sản phẩm của công ty được hoa hậu Ngọc Hân review. Sau đó, Phong tiếp tục thuê các KOLs có tiếng ở Việt Nam giới thiệu sản phẩm trong khoảng một tháng; nhờ đó, doanh thu lên khoảng 7-8 tỷ đồng vào tháng 5/2020.
Tuy nhiên, lúc đó nhân sự quá ít, đa phần chỉ có đóng hàng, in đơn cho khách mua online và đẩy sỉ. Trong khi đó, khách đến mua hàng trực tiếp tại cửa hàng lại không có nhiều, doanh thu thấp; nhưng tiền thuê mặt bằng hàng tháng là 50 triệu đồng buộc Phong lại tiếp tục phải suy nghĩ phương án để vực doanh thu trực tiếp tại cửa hàng.
Sang năm 2021, khi Tiktok ra đời, phải nghĩ làm sao để gia tăng doanh thu, Phong lại lập thêm đội livestream bán hàng; kéo thêm nhân sự có kinh nghiệm ở nơi khác về làm việc.
Việc bán hàng được phát triển trên nhiều kênh thương mại điện tử, bán trực tiếp tại cửa hàng, bán qua website công ty, fanpage, các đại lý…
Sản phẩm hút bụi chăn ga gối đệm đã tiêu thụ ra thị trường với số lượng khoảng 5.000 máy và hơn 2.000 máy lọc không khí trong một tháng. Riêng sản phẩm máy lọc không khí tính đến thời điểm hiện nay công ty đã bán 8 loại sản phẩm nhưng có 1 loại đã bán được tới hơn 50.000 chiếc trên kênh shopee.
Phong cho biết, Mi Hà Nội đã phân phối khoảng 225 sản phẩm của hãng Xiaomi, tập trung đồ gia dụng như máy lọc không khí, robbot lau nhà, máy hút bụi….
Bên cạnh việc bán sản phẩm, công ty của Phong còn tham gia cung cấp sản phẩm công nghệ cho các dự án nhà ở thông minh.
Tháng 5 vừa qua, Phong đã mở thêm một chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh để tiếp tục mở rộng thị trường. Trong kế hoạch, Phong sẽ tiếp tục mở thêm chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM để phục khách.
Cùng với đó, Phong sẽ làm ra những sản phẩm mang thương hiệu Mi Hà Nội bên cạnh vận hành đại lý Xiaomi.
Phong tiết lộ, tháng cuối cùng năm nay sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên của Mi Hà Nội là máy lọc không khí với những tính năng, giả cả cạnh tranh hơn. Sau sản phẩm này sẽ tiếp tục có nhiều sản phẩm khác nối tiếp.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh thành công ở lĩnh vực công nghệ, Phong cho hay, quan trọng nhất là việc lựa chọn sản phẩm nào để bán được, bởi không phải cứ chọn sản phẩm đắt tiền hay sản phẩm rẻ là bán được.
“Có thể lỗ cả tỷ đồng nếu kinh doanh công nghệ mà không thay đổi tư duy, không thay đổi sản phẩm, cách tiếp cận. Nhập sai sản phẩm là ‘chết’.
Năm ngoái, công ty bị tồn trên 3.000 máy sưởi, trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Sang đến năm nay, sản phẩm thành lỗi thời, thanh lý cũng không bán được vì nhập số lượng quá nhiều. Đây cũng là một bài học để rút kinh nghiệm”, Phong nói.
Theo Giám đốc 9X, khi tham gia thị trường công nghệ, có hai điều cần lưu ý, đó là lựa chọn sản phẩm, xác định thị phần của mình và cần chuẩn bị về tài chính, con người vì cơ hội đến không nhiều mà đến rất nhanh. Khi tham gia ngành công nghệ buộc đầu óc phải thay đổi tư duy, thay đổi sản phẩm liên tục để đáp ứng thị trường. Công nghệ đến nhanh và đi cũng nhanh. Một dòng sản phẩm chỉ lên đại trà khoảng 3 tháng là xuống nên cần có sự thay đổi nhanh.
Đặc biệt, có một điều cần chấp nhận trong ‘cuộc chơi’ kinh doanh sản phẩm công nghệ, đó là lợi nhuận khá thấp, khi trừ hết chi phí chỉ còn lãi được khoảng 7%.
Minh Thư