Trò chuyện với chàng trai đi bộ ngàn dặm để thắp sáng văn hóa đọc
Thắp lên tình yêu sách
Những ngày này, bất kể nắng mưa, hành trình Đi bộ xuyên Việt với thông điệp “Sách hóa nông thôn vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo” của chàng trai gốc Hà Tĩnh cầm tinh con mèo (Nguyễn Quang Thạch sinh năm Ất Mão – 1975) vẫn đang tiếp diễn.
Buổi sáng 25/3, Thạch dừng chân tại Quảng Bình với sự tiếp đón nồng ấm của các cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình. Thạch vui lắm. Nhưng không chỉ vui vì được đón tiếp trọng thị, mà niềm vui còn nhân lên gấp bội khi Bí thư đoàn thanh niên Lê Quang Đồng công bố sẽ triển khai tủ sách cho nhiều lớp học ven thành phố Đồng Hới. Đặc biệt, diễn đàn cán bộ Agribank trên toàn quốc đã góp 34.000.000 đồng để làm 34 tủ sách phụ huynh.
Cán bộ của Agribank Quảng Bình đồng hành cùng Nguyễn Quang Thạch (thứ 2 từ phải sang trên gần 1 km. |
Cũng trong sáng 25/3, cán bộ của Công ty xây dựng Trường Thịnh ở Quảng Bình đã dành thời gian nghe Thạch chia sẻ về các mô hình tủ sách. Kết quả của buổi chia sẻ là anh Hoàng Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết sẽ nhân rộng mô hình tủ sách phụ huynh đến lớp học của con gái tại thành phố Đồng Hới.
Thạch nói: “Mình không đặt chuyện được đón tiếp thế nào lên hàng đầu, mà quan trọng nhất là mong muốn Sách hóa nông thôn của mình chạm được đến trái tim của nhiều người và họ nhanh chóng có hành động thiết thực vì quê hương mình, nhân rộng mô hình tủ sách cho học sinh và người dân. Đặc biệt là khuyến khích giới trẻ có trách nhiệm chia sẻ sách cho cộng đồng, làng xóm của mình để tạo ra chu trình chia sẻ vô tận trong xã hội”.
"Ở Hà Nội, tối thiểu 40% trẻ được cha mẹ mua sách cho đọc. Tuy nhiên, theo một thí điểm tại trường Hà Nội – Amsterdam, sau khi thí điểm tủ sách trong lớp học thì trẻ đọc sách nhiều hơn và có tinh thần chia sẻ sách với nhau. Qua đó có thể thấy các gia đình vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đọc của trẻ.
Còn ở Trường Năng khiếu tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ đọc sách còn thấp hơn với tiềm năng. Những đứa trẻ học năng khiếu thường rất thông minh, nhưng qua phỏng vấn một số học sinh thì các em đọc khoảng 10 đầu/năm học. Tỷ lệ này thấp so với mức bình quân 1 đứa trẻ đọc tới 30 đầu sách trở lên ở Mỹ, Châu Âu, Nhật, Israels", Nguyễn Quang Thạch nói.
Thế nhưng hành trình Đi bộ xuyên Việt để tăng tốc Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch không chỉ toàn “hoa hồng”. Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, Thạch chia sẻ câu chuyện xảy ra từ 7 – 8 năm về trước, khi anh bắt đầu gây dựng những tủ sách đầu tiên: “Có lần mang tặng tủ sách dòng họ, người của dòng họ đó chỉ luôn vào mặt mình nói mình làm tủ sách như thế này chỉ vì tiền. Họ không biết rằng mình đã phải đi dịch tài liệu thuê để có tiền mua sách rồi đưa về tặng cho họ”.
Rồi sau này, không ít lần mang tặng sách, Thạch chỉ nhận được sự lạnh lùng với sách. Nhưng Thạch không trách cứ họ. Anh tự nhủ rằng chỉ vì họ chưa có văn hóa đọc, chưa có nhiều cơ hội để đọc sách nên không hiểu được giá trị của sách và xem thường việc làm của mình. Và cũng chính sự lạnh lùng đó càng thôi thúc anh phải tiếp tục hành trình tăng tốc Sách hóa nông thôn.
Mô hình truyền tải tri thức mới
Kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe trên hành trình Đi bộ xuyên Việt, Nguyễn Quang Thạch cho biết ở nhiều nơi, mô hình bưu điện văn hóa xã vẫn chưa làm tốt vai trò là một kênh truyền tải thông tin, tri thức cho người dân ở nông thôn.
“Mình đã hỏi chuyện và biết nhiều cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã không dám cho dân mượn sách về nhà vì sợ nếu mất sách thì cán bộ bưu điện văn hóa xã lại phải đền. Ngay cả mô hình đưa sách đến nhà văn hóa thôn cũng không thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Chủ yếu chỉ có trẻ con thấy sách mới lao đến. Chứ người lớn ở nông thôn từ 18 tuổi trở lên thì hầu như không ai đọc sách nữa.
Ngay cả giáo viên cũng rất ít khi đọc sách, đừng nói là nông dân. Ước tính phải có tới 90% giáo viên ở nông thôn không có thói quen đọc sách. Đấy là một thực trạng chúng ta phải đối mặt”, Thạch chia sẻ.
Cán bộ nhân viên Công ty Trường Thịnh ủng hộ ý tưởng Sách hóa nông thôn. |
Giải pháp được Thạch đưa ra là áp dụng mô hình tủ sách phụ huynh trong lớp học – các bậc phụ huynh cùng đóng góp để mua sách và lập tủ sách trong lớp học của con em mình. “Với mô hình này, thông qua việc đọc sách của con trẻ có thể tạo ra hiệu ứng tác động tốt đến người lớn. Khi con trẻ có tri thức thì sẽ hỏi thầy cô và bố mẹ nhiều hơn, buộc bố mẹ và thầy cô phải đọc sách. Đó là kỳ vọng của tôi” - "Cha đẻ" của sáng kiến Sách hóa nông thôn nhấn mạnh.
Sau 8 năm miệt mài gây dựng phong trào Sách hóa nông thôn, đến nay, Nguyễn Quang Thạch đã đưa loại hình tủ sách dân sự này dần dần “cắm rễ” trong cộng đồng để đáp ứng nhu cầu đọc sách cho nhiều tầng lớp người dân khác nhau. Kể cả người nghèo nhất cũng có cơ hội được đọc sách.
Đã có hơn 3.700 tủ sách đặt trong lớp học, tủ sách dòng họ, tủ sách đặt trong giáo xứ, tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ... được thiết lập từ sáng kiến của Nguyễn Quang Thạch để tạo mạng lưới tủ sách ở khắp mọi nơi. Hơn 100.000 học sinh nông thôn đã được đọc mỗi năm trên 20 đầu sách.
Tiếp tục bước chân trên hành trình Đi bộ xuyên Việt để tăng tốc Sách hóa nông thôn, Nguyễn Quang Thạch đang nuôi kỳ vọng đến năm 2017, tất cả các lớp học nông thôn đều có tủ sách, và mỗi học sinh đều trở thành thủ thư. Để rồi 15 – 20 năm nữa sẽ có lớp người mới hội tụ đầy đủ cả tính nhân văn và tính sáng tạo, kỹ năng tốt và tâm hồn đẹp.
Dự kiến khoảng tháng 6/2015, hành trình Đi bộ xuyên Việt của Nguyễn Quang Thạch sẽ đến TP.HCM. “Trong trường hợp hiệu ứng xã hội tốt thì mình sẽ tạm dừng Đi bộ xuyên Việt. Nếu vẫn chưa tốt thì mình sẽ tiếp tục đi bộ xuống Cà Mau, rồi quay về Hà Nội, đi bộ từ Hà Nội lên Lạng Sơn, cho hết chiều dài đất nước”, Nguyễn Quang Thạch – một người ngay từ 22 tuổi đã xác định mơ ước trở thành nhà cách mạng thư viện – cho biết thêm.