Trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh thông qua chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12
Mạng xã hội còn là nguồn tài nguyên và công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp trao đổi công việc, học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Nếu sử dụng đúng mục đích, mạng xã hội sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến tâm lý học sinh. Sử dụng quá nhiều mạng xã hội, khiến nhiều em mất tập trung trong học tập. "Nghiện" mạng xã hội còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm, hình thành cho các em lối sống ảo, tự kỷ. Nhiều trường hợp học sinh vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường và một số hệ lụy khác”.
Không chỉ thế, trên mạng xã hội, hằng ngày, hằng giờ đều đăng tải nhiều thông tin về các vấn đề xã hội, có thông tin bổ ích, song cũng không thiếu những thông tin giật gân, sai sự thật, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh rất quan trọng.
Ảnh minh họa |
Với vai trò của mình, các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã tăng cường tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn học sinh, sinh viên các kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hữu ích; trang bị một số biện pháp tự bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt.
Các chủ trương đó đã được cụ thể hóa thành nội dung chương trình học. Nội dung giáo dục khai thác sử dụng internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3-12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số.
Trong giáo dục THPT, ngay từ lớp 10, các em đã được tiếp cận một số vấn đề như nêu được một số vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật, đạo đức, văn hóa khi việc giao tiếp qua môi trường mạng trở nên phổ biến, ví dụ minh họa sự vi phạm bản quyền thông tin và sản phẩm số.
Đến lớp 12, các nội dung giáo dục nhận thức và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng đã được cụ thể hóa hơn qua các nội dung bài học như phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể; phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo...
Hoàng Thanh