Tiềm năng hợp tác văn hóa giữa các nước ASEAN
Năm 2022 ASEAN kỷ niệm 55 ngày thành lập. Sự ra đời của ASEAN phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia về một khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Vượt qua thăng trầm, thích ứng với những thay đổi của thế giới và khu vực, ASEAN ngày càng phát triển và hoàn thiện về nhiều mặt.
Đáng nói việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội đã nâng tiến trình hợp tác, liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.
Trong hơn nửa thế kỷ, hoạt động hợp tác văn hóa của các nước ASEAN luôn được tăng cường, với nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm và trọng điểm.
Hợp tác văn hóa ASEAN đã giúp kết nối con người với con người, cũng như góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng thực chất, bám sát các ưu tiên của quốc tế và khu vực.
Trong bài viết đăng trên Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Chiến lực (CESCUBE) của Ấn Độ, bà Nguyễn Thu Thủy tại Viện Khoa học Thông tin thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, hợp tác văn hóa trong ASEAN vẫn còn những hạn chế nhất định. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để duy trì hiệu quả thực chất, hấp dẫn và gắn kết người dân các nước ASEAN trong các hoạt động hợp tác văn hóa của khu vực.
Trên thực tế, số lượng chương trình nghệ thuật của ASEAN, sản phẩm văn hóa các nước quảng bá ra thế giới vẫn còn ít và chưa được quan tâm, hay đầu tư thích đáng.
Ngành công nghiệp văn hóa của ASEAN còn non trẻ và quy mô nhỏ. Doanh nghiệp văn hóa chưa tạo ra được sản phẩm hấp dẫn công chúng trong chính khu vực ASEAN, nên chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Vậy giải pháp thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN trong tương lai là gì? Theo bà Nguyễn Thu Thủy, để thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN phát triển hiệu quả, các quốc gia thành viên ASEAN cần nỗ lực, chung tay phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp.
Thứ nhất, các nước thành viên cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết thúc đẩy hợp tác văn hóa ASEAN, bởi đây là chất kết dính, gìn giữ và lan tỏa ý thức bản sắc cộng đồng trong ASEAN, lồng ghép hài hòa vào nỗ lực chung đối phó ở cấp quốc gia và khu vực vì sự phát triển bền vững của ASEAN.
Thứ hai, xác lập và định hướng phát triển văn hóa số trong bối cảnh xã hội số, kinh tế số là rất quan trọng để phát huy vai trò, hiệu quả của các phương tiện truyền thông mới, tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thông tin nhằm tạo cơ hội quảng bá văn hóa ASEAN trên quy mô lớn hơn.
Thứ ba, hình thành và kết nối mạng lưới không gian sáng tạo tại các đô thị lớn, lan tỏa những thông điệp văn hóa tích cực trong khu vực.
Cuối cùng, ASEAN cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh như điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, nhằm gây dựng sức mạnh cho mỗi nước, hướng tới tạo lợi thế phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực.
Minh Thu