Thuốc lá thế hệ mới đủ chiêu 'tấn công' giới trẻ
Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ, các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ…
Với hình thức bắt mắt, thuốc lá điện tử nhắm tới người sử dụng là giới trẻ |
Giới trẻ - "miếng mồi" của ngành công nghiệp thuốc lá
Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá luôn tuyên bố rằng thuốc lá không dành cho giới trẻ nhưng các tài liệu nội bộ được tiết lộ của công ty thuốc lá cho thấy rõ rằng họ nhắm vào trẻ em và thanh thiếu niên, họ xác định những người từ 13 tuổi là chìa khóa của thị trường, họ tiến hành nghiên cứu thói quen hút thuốc ở tuổi vị thành niên và phát triển các sản phẩm và chiến lược tiếp thị nhắm trực tiếp vào lứa tuổi này.
Th.S Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam đã đưa ra một loạt bằng chứng về vấn đề này.
Theo đó, trong năm 2014, báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa kỳ (Surgeon General Report) đã nhấn mạnh chiến lược marketing của ngành công nghiệp thuốc lá tới giới trẻ và cách mà ngành công nghiệp này duy trì vấn nạn thuốc lá: “…nguyên nhân sâu xa của dịch bệnh hút thuốc đã được thể hiện rõ: ngành công nghiệp thuốc lá tích cực tiếp thị và quảng bá các sản phẩm gây chết người và gây nghiện, và không ngừng chiêu mộ thanh thiếu niên và những người trẻ để trở thành người tiêu dùng mới của các sản phẩm này.”
Bà Thu cho rằng, việc ra đời các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, được ngành công nghiệp thuốc lá quảng bá là một giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhằm vào giới trẻ.
Nhưng sự gia tăng đáng báo động tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và nung nóng trong trẻ em và thanh thiếu niên ở các nước trên thế giới là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến lược kinh doanh của ngành này.
Tại Mỹ, trong vòng 7 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên tăng từ 1,5% (2011) lên đến 27,5% (2018). Cũng tại Mỹ, từ 2017 đến 2018, việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng 135% ở học sinh Trung học phổ thông. Ở Rumani tỷ lệ này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Ý tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018).
Đối với thuốc lá nung nóng, 3,1% thanh niên Rumani sử dụng thuốc lá nung nóng năm 2017. Ở Hàn Quốc chỉ sau một năm sau khi sản phẩm thuốc lá nung nóng ra mắt thị trường lần đầu tiên đã có 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12-18 cho biết là đã sử dụng thuốc lá nung nóng.
Trong báo cáo Surgeon General Report mới đây vào năm 2018, Tổng hội Y khoa Hoa kỳ đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, kêu gọi “các giải pháp tích cực để bảo vệ trẻ em khỏi những sản phẩm cực kỳ nguy hiểm này mà có nguy cơ phơi nhiễm cả một thế hệ thanh niên với nicotine”.
Đủ “chiêu” nhắm vào giới trẻ
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có tác hại với sức khỏe con người; chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai.
Tuy nhiên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ra đời trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát đối với thuốc lá truyền thống được thắt chặt trên toàn thế giới. Lợi dụng kẽ hở trong việc chưa có các quy định kiểm soát do nhiều quốc gia còn đang xem xét, các công ty thuốc lá đã thực hiện nhiều chiến thuật khác nhau để tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà phần lớn nhắm vào giới trẻ.
Theo đó, các nhãn hàng thường tập trung giới thiệu sản phẩm với hương vị hấp dẫn. Thuốc lá với hương vị đặc biệt (ngoại trừ tinh dầu bạc hà) đã bị cấm ở Mỹ từ năm 2009 như một phần của Đạo luật kiểm soát thuốc lá và phòng chống hút thuốc lá gia đinh nhằm hạn chế sự hấp dẫn với giới trẻ.
“Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá mới nổi bao gồm thuốc lá điện tử. Các công ty thuốc lá điện tử tận dụng khoảng trống này trong quy định để tạo ra nhiều hương vị thuốc lá điện tử thân thiện với trẻ em như hương vị kẹo dẻo, kẹo bông, trái cây và đóng gói chất lỏng thuốc lá điện tử trông giống như các mặt hàng thực phẩm thông thường”, bà Thu cho hay.
Tính đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 15.500 hương vị thuốc lá điện tử có sẵn trực tuyến. Một nghiên cứu trước đó về hương vị thuốc lá điện tử cho thấy trong số hơn 400 nhãn hiệu có sẵn trong năm 2014 ở Mỹ, 84% cung cấp hương vị trái cây và 80% cung cấp hương vị kẹo và món tráng miệng. Bên cạnh đó, hàng ngàn cửa hàng thuốc lá điện tử mở cửa cho phép người tiêu dùng lấy mẫu và mua chất lỏng thuốc lá điện tử, bao gồm cả sự kết hợp của các hương vị được lựa chọn bởi người dùng.
Các nghiên cứu cho thấy các sản phẩm có hương vị không chỉ phổ biến trong giới trẻ, mà còn đóng vai trò trong việc thúc đẩy bắt đầu sử dụng sản phẩm thuốc lá.
Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được chế tạo đa dạng từ màu sắc đến hình dạng, thiết kế ấn tượng, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi để hấp dẫn giới trẻ.
Đặc biệt, theo bà Thu các thương hiệu thuốc lá điện tử mới gần đây hầu như phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện truyền thông mạng xã hội để tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Cụ thể, một cuộc điều tra kéo dài hai năm của Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá (Campaign for Tobacco Free Kids) đã cho thấy các công ty thuốc lá sử dụng mạng xã hội để chạy các chiến dịch truyền thông và quảng bá sản phẩm thông qua việc trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – những người nổi tiếng với lượng người theo dõi trực tuyến lớn – để đăng tải hình ảnh về sản phẩm thuốc lá và hành vi hút thuốc như một phần của chiến lược tiếp thị được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia.
Cuộc điều tra đã ghi lại hơn 100 chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của các công ty thuốc lá đa quốc gia lớn như Philip Morris International, British America Tobacco, Japan Tobacco International và Imperial Brands.
“Ở Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo một báo cáo rà soát tin tức về thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông internet tại Việt Nam (báo điện tử, trang thông tin điện tử, Blog, Diễn đàn (forum), mạng xã hội Facebook, Youtube) cho thấy: trong vòng 3 tháng (07/2019-09/2019) có tới 61.760 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử; trong đó 99% tin bài được đăng trên mạng xã hội facebook; nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng”, bà Thu cho hay.
Ngoài ra, các nhãn hàng cũng sẵn sàng tài trợ cho các lễ hội, sự kiện thể thao, âm nhạc – nơi thu hút rất đông giới trẻ tham dự. Cụ thể, Philip Morris International (PMI) tài trợ cho đội đua F1 của hãng Ferrari để quảng bá slogan “Mission Winnow”; và British America Tobacco (BAT) tài trợ đội đua F1 của hãng McLaren để quảng bá “A Better Tomorrow” cho thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được miêu tả có khả năng làm giảm nguy cơ rủi ro.
Tại Việt Nam, hai thông điệp quảng cáo này cũng được gắn lên các đội đua và xe đua và được quảng cáo trên trang fanpageVietnam Grand Prix để chuẩn bị cho giải đua tại Việt Nam.
“Trong nhiều thập kỷ qua ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi và dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotine. Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ, để thay thế cho hàng triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra”, Ths Lê Thị Thu bày tỏ.
N. Huyền