Thu ngân sách nhà nước của nhiều địa phương tăng cao, vượt chỉ tiêu được giao
TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu,.... vượt chỉ tiêu thu ngân sách
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú, năm 2022, Trung ương giao TP.HCM thu ngân sách 386.568 tỉ đồng, tuy nhiên đến tháng 10/2022, TP.HCM đã thu ngân sách ước đạt 392.790 tỉ đồng, vượt dự toán cả năm 2022 là 1,61% và tăng 22,33% so cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa 254.058 tỉ đồng, đạt 97,88% dự toán, tăng 19,32%; thu từ dầu thô gần 24.000 tỉ đồng, vượt 128% dự toán, tăng 100,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 114.765 tỉ đồng, đạt 98,51% dự toán, tăng 19,29% so với cùng kỳ.
Nguồn thu ngân sách của TP.HCM vượt kế hoạch chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh từ các doanh nghiệp bất động sản, dầu thô, thuế thu nhập cá nhân,…
Ngoài ra, cũng có một số khoản thu có số thu đột biến (các đơn vị thực hiện nộp tiền thuê đất 1 lần, nộp sớm so với quy định…), thu tiền sử dụng đất tăng gấp 2 lần so cùng kỳ.
Không riêng gì TP.HCM, năm 2022, dự toán thu ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An là 14.997 tỷ đồng, tuy nhiên, 10 tháng đầu năm, thu ngân sách của Nghệ An cũng đã về đích sớm với 18.377 tỷ đồng, đạt 122,5% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 121,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa 17.212 tỷ đồng, đạt 125,7% dự toán và bằng 126,3% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 1.165 tỷ đồng, đạt 89,7% dự toán và bằng 77,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều nguồn thu có tiến độ thu cao như thu từ khu vực công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, thu cấp quyền khai thác khoáng sản...
Cục Thuế Nghệ An cho biết, nhờ các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ ban hành, chỉ đạo triển khai quyết liệt đã đem lại những tác động, ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và xã hội địa phương.
Tại Nghệ An, năm 2022, việc thu thuế tăng cao là do những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, hoạt động chuyển nhượng bất động sản sôi động, làm tăng số nộp ngân sách nhà nước về tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ nhà đất.
Tương tự, 10 tháng năm 2022, thu ngân sách nhà nước của Bà RịaVũng Tàu đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh Bà RịaVũng Tàu, tính đến hết tháng 10/2022 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã vượt kế hoạch năm, đạt hơn 131% dự toán và tăng 31,72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu từ dầu khí khoảng đạt trên 38.300 tỷ đồng, đạt hơn 231% dự toán, tăng 102,44% so cùng kỳ; thu ngân sách nội địa đạt 38.023 tỷ đồng, đạt 109,71% dự toán, tăng 17,62% so cùng kỳ.
Trong các khoản thu ngân sách, lớn nhất vẫn là thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với gần 15.500 tỷ đồng, tiếp đến là thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương với hơn 5.800 tỷ đồng; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh là hơn 3.900 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân là hơn 3.600 tỷ đồng...
Các lĩnh vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và cao hơn bình quân cả năm gồm: Sản xuất công nghiệp; bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2022, tỉnh Lâm Đồng được giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước đạt 12.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 10/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 11.141 tỷ đồng, bằng 114% dự toán Trung ương, bằng 101% dự toán địa phương và bằng 129% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, lĩnh vực thuế - phí thu đạt 130%; đất, nhà bằng 98%, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu gần bằng 87% dự toán Trung ương.
Đối với tỉnh Bắc Giang, 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh Bắc Giang đạt trên 12.160 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ, bằng 96,9% dự toán.
Trong đó có 8/16 khoản thu vượt dự toán, nhiều khoản thu quan trọng như: Thu tiền sử dụng đất đạt 7.112 tỷ đồng, vượt 1,2%; thuế thu nhập cá nhân 1.000 tỷ đồng, vượt 16,3%; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước 210,6 tỷ đồng, vượt 23,9%....
Ngoài ra, thu ngân sách tại các địa phương cũng đạt kết quả khá, đặc biệt có 6/10 huyện đã thu vượt dự toán gồm: Yên Dũng 872,4 tỷ đồng, vượt 12,7%; Yên Thế 256,9 tỷ đồng, vượt 42,5%; Lạng Giang 1.021 tỷ đồng, vượt 10,9%; Việt Yên 2.425,5 tỷ đồng, vượt 12,3%; Tân Yên 913,4 tỷ đồng, vượt 121,5%, Lục Ngạn 305,2 tỷ đồng, vượt 100%.
Tăng cường thanh tra chống thất thu thuế, thu ngân sách nhà nước vượt hơn 103% dự toán
Các địa phương cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt kết quả cao là do ngay từ đầu năm, ngành thuế của các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ kịp thời các khoản thu, đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế liên tục triển khai nhiều giải pháp khác nhau để đảm bảo thu ngân sách bền vững. Một trong những giải pháp là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/10, toàn ngành thuế thực hiện được 55.840 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đạt 75,56% kế hoạch năm 2022 được giao và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra lên đến trên 51.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành Thuế cũng triển khai nhiều dịch vụ thuế số, tích hợp nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 15 ngân hàng, tăng 6 ngân hàng so với thời điểm mới triển khai và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới, từ đó, tạo thuận lợi khi kê khai, nộp thuế cho cá nhân.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 10 ước đạt 130.300 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng thu ngân sách ước đạt hơn 1,46 triệu tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2022 vượt đến 16,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 10 tháng vượt dự toán chủ yếu do nền kinh tế duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất siêu đều tăng…).
Ngoài ra, giá dầu, khí tăng cao đã đem lại nguồn vượt thu khá từ dầu thô. Theo Bộ Tài chính, thu từ dầu thô sau 10 tháng ước đạt 65.500 tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, tăng 95% so cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó là việc cơ quan thuế tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, từ khai thác tài nguyên.
Nguyễn Hải