Thanh Hóa: Tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường
Thời gian qua, Thanh Hóa là địa phương rất quan tâm, tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, mới đây Trường THCS Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường.
Tại buổi truyên truyền, học sinh nhà trường được nghe cán bộ Công an TP Thanh Hóa truyên truyền phổ biến pháp luật và phân tích về nguyên nhân, hậu quả của xâm hại trẻ em và bạo lực học đường cũng như các biểu hiện, thủ đoạn về tình trạng xâm hại trẻ em.
Các em học sinh cũng giới thiệu những quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường cùng với những hành vi điển hình, những tình huống có thể dẫn đến xâm hại trẻ em và bạo lực học đường.
Học sinh vừa học tập, vừa vui chơi tăng cường tính đoàn kết. (ảnh minh họa) |
Đồng thời học sinh cũng được giao lưu, chia sẻ tình huống với một số học sinh về chủ đề xâm hại trẻ em và bạo lực học đường giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ để phòng tránh có hiệu quả.
Buổi tuyên truyền giúp học sinh Trường THCS Tân Sơn (Thanh Hóa) nâng cao hiểu biết và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng, chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường để tự bảo vệ mình cũng như chủ động xử lý theo đúng quy định của pháp luật khi gặp trường hợp bị xâm hại, bị bạo lực.
Đồng thời tăng cường sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ các em học sinh, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và phòng, chống hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em và bạo lực học đường.
Chia sẻ về định hướng xây dựng văn hóa học đường hiệu quả, đại diện trường THCS Tân Sơn cho biết cần có kế hoạch xây dựng chương trình giáo dục thực hành ứng xử, giao tiếp, đạo đức, nếp sống có trách nhiệm để thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày và xác định đây là chương trình thường xuyên của các cấp học.
Cùng với đó, nâng cao chuẩn đạo đức nghề nghiệp, phong cách ứng xử của giáo viên, của phụ huynh học sinh trong sinh hoạt, giảng dạy và giao tiếp hàng ngày, bởi điều này có tác động lớn đến phong cách ứng xử của học sinh. Giáo viên nêu gương để học sinh thực tập lối ứng xử có văn hóa hàng ngày, tạo thành thói quen văn hoá trong giao tiếp học đường…
Ngoài ra, xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có giải pháp, cơ chế để huy động sự tham gia tích cực của gia đình. Nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường cũng như tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức đoàn, đội trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự chủ động tham gia của học sinh, sinh viên trong xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Hoàng Thanh