Thanh Hóa: Những kết quả khả quan trong việc chống khai thác IUU
Phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, kiểm soát
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng như chỉ thị của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố ven biển, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện theo Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như có cơ chế phối hợp giữa các đơn vị để trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về chống khai thác IUU do ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống khai thác IUU, đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp tại các ban quản lý cảng cá, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát tại 3 cảng cá Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng và Chi cục Thủy sản cũng như chuẩn bị các tài liệu cần thiết để sớm cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Về phía Chi cục Thủy sản, đơn vị đã làm việc với UBND các huyện, thị, thành phố để tuần tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản tại vùng cửa sông, ven biển, đặc biệt là các nghề lưới kéo, lồng xếp (lờ dây, bát quái); rà soát, xác minh tình trạng những tàu cá hết đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật tại các cảng cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tăng cường việc xây dựng nội dung tuyên truyền bằng băng rôn, tờ rơi, tập huấn và từ các chương trình phát thanh, truyền hình, tuyên truyền trực tiếp với chủ tàu cá... giúp cho chủ tàu, ngư dân hiểu rõ hơn về phòng chống khai thác IUU.
Những bước chuyển biến tốt
Trong năm 2022, việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển đều theo tiêu chí đặc thù và theo quy định đối với việc tàu cá hoạt động nội địa... Việc thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc chuyển đổi hạn ngạch giấy phép giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch khai thác hải sản vùng khơi cũng được thực hiện tốt.
Các công việc như đăng ký tàu cá, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cấp phép khai thác đều được Sở NN&PTNT Thanh Hóa thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện cho tàu cá vươn khơi. Việc nhập dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase đã nhập được 2.747 tàu cá vào dữ liệu hệ thống nghề cá quốc gia và cập nhật hằng ngày dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS cho 1.128/1.167 tàu cá (đạt 96,7%), còn 39 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Với những tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình Chi cục Thủy sản đã rà soát nguyên nhân, vị trí neo đậu của từng tàu và tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu các Đồn Biên phòng ven biển, UBND cấp huyện, thị, thành phố quản lý chặt chẽ đối với các tàu cá này, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khai thác.
Để thực hiện việc kiểm tra, giám sát tàu cá thì các đơn vị quản lý cảng cá, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát đã được đầu tư thiết bị văn phòng, bộ đàm, thiết bị camera, màn hình lớn và bố trí nhân lực các đơn vị trực 24/24 để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập, xuất bến, thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản...
Trong năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá nào nằm trong danh sách vi phạm IUU của Bộ NN&PTNT và không tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài hay bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Những kết khả quan về công tác phòng chống khai thác IUU tại Thanh Hóa phần lớn nhờ vào việc các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân đã nghiêm túc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trần Nghị