Sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia
Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Bộ Thông tin và Truyền thông hồi tháng 5/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tái khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số…
Xây dựng một Việt Nam số
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động mạnh mẽ đến ngành này thông qua công nghệ số và chuyển đổi số. Sứ mệnh mới của Bộ Thông tin và Truyền thông là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một Việt Nam số, trong đó có chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và truyền thông số”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số mở ra không gian tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam, là động lực cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Việt Nam phải làm chủ các thiết bị hạ tầng số, nhất là 5G (phủ sóng toàn quốc 5G năm 2022); Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng (Việt Nam phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, anh ninh mạng và hiện đã làm chủ 90%).
Về lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin - công nghệ số (gọi chung là công nghiệp ICT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam cần chuyển từ lắp ráp, gia công sang “Make in Vietnam”, sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế và làm ra tại Việt Nam. Tỷ trọng “Make in Vietnam” vào năm 2025 đạt hơn 45% (hiện tại đang là 22%). Phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vào năm 2025 (từ 58.000 doanh nghiệp hiện nay).
Đi con đường Việt Nam
Thực tế, nhiệm vụ dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và định ra những việc cụ thể cần phải làm đã được người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói ở nhiều diễn đàn với một quyết tâm chính trị sắt đá và sự kiên định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam chỉ chuyển đổi số thành công khi đi con đường Việt Nam”. Trọng trách dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một sứ mệnh thiêng liêng, trọng trách lớn lao nhưng vinh quang.
“Trong một cuộc cách mạng, sức mạnh tinh thần và niềm tin luôn mang yếu tố quyết định. Nhận thức về chuyển đổi số đã rõ, lý luận đã hình thành. Con đường Việt Nam về chuyển đổi số đã định hình. Chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Nhưng chuyển đổi số Việt Nam là con đường Việt Nam. Việt Nam chỉ phát triển được khi đi con đường Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có thể thấy rõ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của Bộ trưởng và toàn ngành Thông tin và Truyền thông, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã gặt hái được những quả ngọt. Năm 2020, tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt khoảng 130 tỷ USD, tổng nộp ngân sách khoảng 5 tỷ USD. Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng doanh thu toàn ngành đã vượt chỉ tiêu, trong đó riêng công nghiệp ICT đạt hơn 136 tỉ USD, tăng hơn 11,4 tỉ USD so với năm 2020.
Năm 2022, lĩnh vực sản xuất và công nghiệp ICT đã có sự phục hồi mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, 6 thángđầu năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2021 (1.568.141 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước 60.883 tỷ đồng. Không chỉ lĩnh vực ICT, các lĩnh vực khác cũng đang bước vào công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ đúng với tinh thần “cách mạng 4.0”.
Đáng chú ý, hiện 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 5/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 32/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022. 41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai được 36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai chuyển đổi số đến tận thôn, xóm tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện…”.
Hải Việt