Sự cần thiết phải dọn 'rác' trên mạng xã hội, ảnh hưởng xấu tới trẻ em
Những ca khúc rap “Thích Ca Mâu Chí” báng bổ Phật giáo và “Mua cho con chiếc còng tay” cổ súy văn hóa lệch lạc gây tranh cãi dữ dội trong dư luận ảnh hưởng tới trẻ nhỏ đã được các cơ quan chức năng xử lý.
Vào tháng 11, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã xử phạt 45 triệu đồng rapper Chí của nhóm "Rap Nhà Làm" vì có hành vi lưu hành sản phẩm "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo".
Trước đó, cộng đồng mạng lên tiếng phản đối trước video nhạc rap mang tên "Thích Ca Mâu Chí" của nhóm "Rap Nhà Làm" được lan truyền trên mạng xã hội. Ngay từ phần tựa đề, bản nhạc này đã gây tranh cãi bởi cái tên đó là sự cắt ghép giữa tên "Thích ca mâu ni" của đức Phật và Chí - người sáng tác bản nhạc.
Về phần nội dung, chủ nhân của ca khúc đã liên tục sử dụng những ngôn từ dung tục, khiến người nghe có cái nhìn sai lệch về Phật giáo. Đáng chú ý khi hình ảnh minh họa của clip cũng được chế từ một sự tích trong cuộc đời Đức Phật.
Trước đó, ca khúc "Mua cho con chiếc còng tay" được biết giai điệu Censored được thể hiện bởi rapper Chị Cả và Y - Tee từ năm 2020 đang được rất nhiều các bạn trẻ quan tâm.
Hiện nay trên tiktok có cả vạn người "đu trends" trên nền nhạc này, nghe kỹ lời lẽ dung tục, đúng nghĩa là rác chưa được phân loại, rác này là loại độc hại cực độ. Khi nghe thì nhiều bạn trẻ bất ngờ phát hiện một đoạn nhạc với giai điệu bắt tai nhưng khi nghe kỹ từng câu từng chữ trong lời bài hát thì thật sự nhiều người tá hỏa.
Nhiều “Virus độc”trên mạng xã hội ảnh hưởng tới trẻ em. |
Chị Hà Nguyệt - Thanh Xuân Nam, Hà Nội kể con trai lớp 9 của chị còn thuộc cả bài hát này chị nghe con mở mà “nổi da gà”, lúc đó mới tìm hiểu thì con xem trên TikTok, chị rất khó để kiểm soát vì con còn dùng điện thoại học.
Trên mạng xã hội, nhiều video làm theo trend để clip nhanh lên xu hướng nhiều nền tảng như TikTok đang phổ biến với rất nhiều đối tượng người xem và độ tuổi khác nhau. Việc "lan tỏa" nội dung âm nhạc có hơi hướng dung tục có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Tình trạng “ngập tràn rác” trên không gian mạng là điều mà cả dư luận và cơ quan chức năng lên tiếng lâu nay. Những thứ “rác” ấy không chỉ làm vẩn đục không gian mạng mà còn gây nhiều mối nguy hại cho con người, xã hội.
Đáng nói hơn, youtube, tiktok và facebook đang là mảnh đất “câu view”, làm giàu của rất nhiều người. Có Vlog xoáy sâu các tin “giật gân”, bịa đặt, “câu view”. Có trang chuyên nói xấu xã hội, nói xấu Nhà nước để thu hút sự đồng tình của những thành phần có nhận thức lệch lạc. Có kênh chuyên kể chuyện tục bậy, vi phạm thuần phong mỹ tục... Không chỉ tung ra những thông tin “rác”, gây hoang mang dư luận, các kênh này còn tạo ra và nuôi dưỡng thị hiếu tầm thường của cư dân mạng, thậm chí góp phần “đầu độc” dân trí. Những cái tên từng làm “nóng” dư luận như kênh Hưng blog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn... và mới đây là kênh youtube Hoàng Anh - Timmy chứa đựng nhiều nội dung phản cảm, đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm khắc.
BS Nguyễn Trọng An – Phòng khám Cây thông xanh, chia sẻ những “rác” trên mạng xã hội như vậy rất nguy hiểm đặc biệt là những người chưa đủ tuổi trưởng thành, kỹ năng sống và kiến thức xã hội còn non nớt, thì việc tiếp cận thường xuyên với “rác” mạng sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách các em.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội. Bên cạnh việc phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc khác cần áp dụng.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần trang bị kỹ năng, kiến thức về sử dụng Youtube, mạng xã hội, các phần mềm internet để chủ động thanh lọc nội dung nhảm, xấu để hạn chế sự tác động của mạng xã hội tới trẻ nhỏ.
Khánh Chi