Rủ đi làm rửa bát lương cao, thiếu nữ Mông bị bán vào nhà chứa
Bà Hoàng Bích Ngọc, Điều phối viên Dự án Em Vui (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội- ISDS) – một dự án triển khai truyền thông nền tảng số cung cấp các kiến thức cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nhằm phòng chống nạn tảo hôn và mua bán người cho biết, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống và thay đổi một cách căn bản phương thức kết nối xã hội ở nước ta.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, các đường dây tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội để tăng cường các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, lừa bán nhiều phụ nữ và trẻ em cho các mục đích bóc lột sức lao động và bóc lột tình dục.
Những kẻ mua bán người sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa dối, ép buộc, đe doạ nạn nhân khiến cho nạn nhân tin tưởng hoặc sợ hãi mà phải làm theo ý của chúng.
Trong quá trình thực hiện khảo sát để tiến hành triển khai dự án, bà Ngọc cho biết đã gặp những câu chuyện có thật về các thủ đoạn của những kẻ mua bán người.
Như trường hợp của em M.. Trên đường đi học về M. gặp một người lạ, người này tỏ ra tử tế cho em bánh kẹo. Nhưng không ngờ trong bánh kẹo đó có thuốc mê, M. ăn xong không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy, em không biết mình đang ở đâu.
Trường hợp khác cũng bắt đầu từ tình huống không thể ngờ tới. Trời nhá nhem tối, T. cùng mẹ đi làm nương về trên một con đường vắng vẻ. Có một người đi xe máy qua bảo hai mẹ con lên xe để hắn đưa về nhà cho đỡ mệt. Hai mẹ con lên xe, thay vì đưa hai mẹ con T. về nhà, người đó đã chở thẳng 2 mẹ con ra biên giới bán cho người khác.
Một trường hợp khác khiến bà Ngọc cũng không khỏi ám ảnh đó là M. Cô là người Mông. M. có họ hàng cũng là người Mông ở bên Trung Quốc. Em hay băng rừng sang đó phụ làm rẫy cho người thân. Thỉnh thoảng M. cũng đi chợ phiên.
Một lần, khi đi chợ một mình, M. gặp một cô rủ đến quán ăn làm thuê rửa bát và nói rằng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. M. đồng ý, nhưng sau đó em bị lừa đưa vào “nhà chứa” ở bên đó.
Theo bà Ngọc, “điểm đến” của những thiếu nữ bị lừa bán thường là “nhà chứa” ở nơi đất khách, quê người. Tại đây, các nạn nhân bị ép phải bán dâm cho khách.
Một thủ đoạn khác cũng được những đối tượng lợi dụng để dụ dỗ đó là đóng giả thành “người yêu” trên MXH. S. là ví dụ. Em quen một anh trai trên Facebook. Trong ảnh trông anh rất đẹp trai. Anh cho biết anh là công an ở tỉnh.
Anh luôn quan tâm và dịu dàng với S. Chỉ sau một tuần S. đã cảm thấy yêu anh ấy rồi. Một hôm, anh ấy hẹn S. đi chơi. Gặp anh, S. vui lắm. Anh đèo S. đi chơi một lúc rồi đưa nước cho S. uống. Sau khi uống nước S. không biết gì nữa. Khi tỉnh lại thì S. đã thấy mình ở một nơi xa lạ với những người không quen. Anh ta đã biến mất sau khi đưa S. qua biên giới và bán S. cho những người đó.
Bà Ngọc khuyến cáo, khi làm quen hoặc hẹn hò qua mạng, những kẻ mua bán người thường có thủ đoạn sau: ăn nói ngọt ngào, hứa tặng quà để tạo lòng tin, sau đó hẹn gặp mặt để lừa hoặc bắt cóc mang đi bán. Rủ đi chơi xa, đi du lịch và sau đó mang đi bán. Hứa cho tiền hoặc giới thiệu cho công việc tốt, cho cuộc sống hạnh phúc, sau đó hẹn gặp để đi chơi, để giới thiệu công việc, nhưng rồi bắt cóc đưa đi bán.
“Những đối tượng này thường tạo hình tượng đẹp trai, có nhiều tiền, thậm chí giả làm công an, bộ đội để quyến rũ các bạn nữ, giả vờ hẹn gặp rồi lừa bán cho người khác”, bà Ngọc cho hay.
Từ thực tế này, dự án Em vui đã cung cấp các kỹ năng cần thiết thông qua nhiều hình thức (tập huấn trực tiếp; phần mềm với những clip dưới dạng hỏi đáp; bộ phim hành trình của một thiếu nữ bị lừa bán…) cho thanh thiếu niên tại các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị (những tỉnh thực hiện dự án) nói riêng và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nói chung giúp các em tự tin, biết cách phòng vệ, không bị rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người.
Đến nay dự án đã đi được 2/3 chặng đường, theo bà Ngọc, dự án Em Vui đang triển khai truyền thông nền tảng Em Vui – giai đoạn 3 một cách sâu rộng hơn cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại toàn bộ 52 xã.
Dự kiến sau khi kết thúc triển khai hoạt động này, 15.600 em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số từ 10-24 tuổi (300 em 1 xã) thuộc nhóm đối tượng đích của dự án Em Vui sẽ được truyền thông trực tiếp, hướng dẫn sử dụng thành thạo về nền tảng Em Vui cũng như tiếp cận các thông tin kiến thức về phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người trên nền tảng.
N. Huyền