Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam công tác phòng chống buôn bán người
Sáng 15/11, Lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Công tác của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh - nhà tài trợ Dự án “Đấu tranh chống Mua bán người và Nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam”.
Dự án được thực hiện thông qua Tổ chức Di cư quốc tế và sẽ triển khai từ năm 2023 đến quý I/2025. Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chủ trì buổi làm việc.
Về phía Bộ Nội vụ Anh có bà Kim Bridger, Giám đốc Quỹ phòng chống mua bán người và Nô lệ thời hiện đại; Bà Christine Smart, Cố vấn chính sách và thực hành bảo vệ nạn nhân. Cùng dự có ông Mi; Bà Yun Doyen, Giám đốc Chương trình và Quan hệ quốc tế của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Đại diện IOM Việt Nam.
Tại buổi làm việc, bà Dương Thị Ngọc Linh đã chia sẻ về những nỗ lực của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về thông qua các hoạt động tại Nhà tạm lánh Ngôi nhà Bình yên.
Thông qua đó, đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cũng đề nghị các đối tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại Việt Nam hiệu quả nhất.
Ngôi nhà Bình yên ra đời ngày 08/3/2007 dành cho nạn nhân bạo lực giới, mua bán trở về. Từ mô hình đầu tiên, đến nay đã có 2 Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội (1 dành cho nạn nhân bạo lực giới và 1 cho nạn nhân bị mua bán). Đây là nơi tạm trú cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về, bị bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, toàn diện và miễn phí.
Tính đến tháng 9/2021, “Ngôi nhà bình yên” đã hỗ trợ 385 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 244 người lớn (63%) và 141 trẻ em (37%). Trong số 385 người được hỗ trợ có 11 người (khoảng 3%) có quốc tịch nước ngoài, còn lại 97% nạn nhân đến từ 49/63 tỉnh thành khác nhau của Việt Nam, thuộc 17/54 dân tộc khác nhau.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, ở nước ta trong giai đoạn từ năm 2016-2020, mỗi năm, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 nạn nhân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Các lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết hàng trăm tin báo tội phạm, đảm bảo 100% thông tin được xử lý kịp thời.
N. Huyền