Quảng Nam: Giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia rồi bán vào sòng bạc
Tội phạm mua bán người thường nhắm đến nạn nhân bằng một số hình thức lừa đảo như lừa tìm kiếm việc làm, giả vờ yêu đương với nạn nhân rồi đem bán, môi giới lấy chồng nước ngoài... Trong xã hội phát triển như hiện nay, việc lừa đảo qua mạng internet, các trang mạng xã hội đang diễn ra phổ biến.
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị tập huấn do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 5/10, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng địa phương này phát hiện, bắt giữ và xử lý 9 vụ mua bán người với 17 đối tượng; 14 nạn nhân được giải cứu, tiếp cận và hỗ trợ về lại cộng đồng.
Đáng chú ý, năm 2018, Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng giải cứu 4 nạn nhân người dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My bị một đối tượng lừa đưa sang Trung Quốc để lao động trái phép, khi các đối tượng đang chuẩn bị vượt biên.
Năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệt xóa đường dây mua bán người, bắt giữ 4 đối tượng với thủ đoạn mở quán karaoke để tuyển các nhân viên nữ (từ 18 đến 22 tuổi), sau đó, liên kết với các đối tượng ngoại tỉnh, thông qua các trang mạng xã hội rao bán 2 nhân viên với giá 185 triệu đồng.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng công dân bị dụ dỗ đưa sang Campuchia làm việc trong các cơ sở tổ chức đánh bạc, lừa đảo trực tuyến do các đối tượng người Trung Quốc làm chủ. Công an tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 7 trình báo của gia đình các nạn nhân bị đưa sang Campuchia và bị yêu cầu đóng tiền chuộc từ 1.000 - 4.000 USD/người để được về nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, giải cứu, tiếp nhận 2 trường hợp về nước, tiếp tục hỗ trợ các trường hợp còn lại; đã bắt giữ 1 đối tượng dụ dỗ, tổ chức đưa 7 trường hợp là công dân trên địa bàn tỉnh qua Campuchia trái phép.
Theo nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân khiến người dân trở thành nạn nhân của tội phạm buôn ngườinhư: do nhu cầu kinh tế (chiếm tới 51%), gia đình bất hoà (20%), người thân thiết là kẻ buôn bán người 13%, rối loạn tâm thần, hành vi hoặc thần kinh 10%, trẻ thiếu sự chăm sóc và quan tâm từ cha mẹ 9%, khuyết tật về thể chất 3%, hạn chế về học vấn hoặc ngoại ngữ 6% và tình trạng di cư chiếm 10%.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, giai đoạn 2015-2020 đã ghi nhận 1.673 vụ với 2.345 đối tượng, 3.944 nạn nhân bị mua bán cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau như cưỡng bức lao động, hôn nhân cưỡng bức, mua bán nội tạng, mua bán bào thai...
Báo cáo toàn cầu về “Mua bán người năm 2020” được thực hiện bởi UNODC (Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm) nêu: 50% nạn nhân mua bán người bị bóc lột mại dâm; 30% cưỡng bức lao động; 6% ép buộc thực hiện hành động tội phạm, 1,5% ép buộc đi ăn xin, 1% hôn nhân cưỡng bức và 1% nhiều hình thức kết hợp.
Hồ Ca