Nhiều 'ông lớn' lỗ nặng, vì sao?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 với kết quả lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỉ đồng. Đây là lần đầu EVN ghi nhận mức lợi nhuận âm sau 5 năm tăng trưởng liên tục.
Lỗ vì bất khả kháng
Báo cáo cho thấy mặc dù doanh thu bán hàng đạt 221.231 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vì giá vốn bán hàng của doanh nghiệp (DN) lại tăng mạnh hơn, lên tới 225.440 tỉ đồng, khiến tập đoàn lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ hơn 4.200 tỉ đồng. Trong khi đó, các loại chi phí khác của EVN thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 2,4%, chi phí quản lý giảm 2,3%, chi phí bán hàng giảm 4,8%.
Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu vì thua lỗ 3 năm liên tiếp .Ảnh: LAM GIANG
Theo EVN, giá nhiên liệu cho sản xuất điện như than, dầu, khí... tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao. Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương gần đây, EVN cũng đề cập áp lực tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt. Trong đó, bình quân giá than trộn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent 104,4 USD/thùng, gấp gần 2,5 lần. Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.915,59 đồng/KWh - cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019 là 1.844,64 đồng/kWh.
Cũng ảnh hưởng lớn bởi giá xăng dầu thế giới là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Dù nắm hơn 50% thị phần xăng dầu trong nước nhưng DN này vẫn báo lỗ 141 tỉ đồng vào quý II vừa qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.594 tỉ đồng.
Báo cáo của Petrolimex cho thấy doanh thu thuần của tập đoàn trong quý II đạt 84.367 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp 2.402 tỉ đồng nhưng chi phí bán hàng lên tới 2.570 tỉ đồng đã ăn mòn toàn bộ lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước đạt 151.387 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gần 78% so với nửa đầu năm ngoái. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 87%, còn gần 302 tỉ đồng.
Giải trình nguyên nhân phát sinh lỗ, lãnh đạo Petrolimex cho biết trong quý II, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý II lên 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu, còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6. Bên cạnh đó, Petrolimex phải tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao khiến biên độ lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý suy giảm mạnh. Ngoài ra, do giá xăng dầu từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, để bảo đảm nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho các nhà đầu tư, Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30-6 lên tới 1.259 tỉ đồng. "Nếu không trích lập dự phòng giảm giá này thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng có thể đạt 295 tỉ đồng" - đại diện "ông lớn" ngành xăng dầu cho hay.
Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; mã chứng khoán HVN) đang đứng trước nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu do rơi vào nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp và nguy cơ âm vốn chủ sở hữu. Trong 2 năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty mẹ Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thêm 5.167,6 tỉ đồng, nâng mức lỗ lũy kế đến cuối quý II/2022 lên hơn 28.940 tỉ đồng, làm vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỉ đồng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines lý giải tình trạng này là bất khả kháng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những DN như Vietnam Airlines gần như khó và không có cách nào khắc phục nếu không có giải pháp tái cơ cấu và sự hỗ trợ của các bên liên quan. Đến nay, hãng vẫn tiếp tục nỗ lực đưa ra các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả sản xuất - kinh doanh gồm giảm tối đa mức lỗ, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập dòng tiền (2022-2025), phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu (2023-2025). Trong đó, Vietnam Airlines đang có kế hoạch thoái vốn với Pacific Airlines. Nếu thoái vốn, chuyển nhượng thành công cổ phần tại Pacific Airlines sẽ giảm lỗ ngay trên báo cáo hợp nhất của Vietnam Airlines khoảng 5.000 - 6.000 tỉ đồng.
Phải xem xét thấu đáo
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-9, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng không riêng ở Việt Nam mà các "ông lớn" trong ngành năng lượng tại nhiều nước trên thế giới đều đối mặt với khó khăn trong giai đoạn vừa qua, dưới tác động của dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine. Vì các yếu tố về thị trường xăng dầu thời gian qua rất khó đoán định nên DN rất khó dự báo để chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thắt chặt cơ chế giám sát độc quyền của nhà nước đối với các lĩnh vực này để có biện pháp quản lý, điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, trong đó có DN, người dân. Về lâu dài, các DN nhà nước cần chủ động trong phương án kinh doanh, tăng tính dự báo để chủ động với kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Ông Doanh cũng kiến nghị cần sớm giải quyết các vấn đề về năng lượng tái tạo hiện nay, xem đây là giải pháp lâu dài để ổn định, phát triển bền vững.
Ở góc độ khác, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, đặt vấn đề khi DN, kể cả DN nhà nước, báo cáo lỗ trong hoạt động kinh doanh, cần có các đơn vị kiểm toán xem xét việc báo cáo lỗ đó có thật hay không, có đúng như công bố? Quan trọng nhất là nguyên nhân của việc lỗ đến từ đâu vì điều này liên quan đến nghĩa vụ thuế của DN và ngân sách nhà nước.
Trong hoạt động kinh doanh có lỗ, có lãi nhưng với trường hợp DN nhà nước hoặc DN có vốn nhà nước thì phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, khách quan và trung thực. Từ đó đánh giá xem nguyên nhân khách quan hay chủ quan, ngắn hạn hay dài hạn? Như nguyên nhân khách quan là trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh; với ngành hàng không, du lịch là "đóng băng" trong khi vẫn phải duy trì bộ máy, nhân sự… "Nếu là nguyên nhân khách quan thì biện pháp khắc phục sẽ khác, nếu nguyên nhân chủ quan là do yếu kém trong quản lý hay do vi phạm gây ra lãng phí thì cần có biện pháp xử lý phù hợp" - luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Cũng theo luật sư Nghĩa, DN nhà nước thua lỗ ở từng lĩnh vực cụ thể thì nên có những biện pháp kiểm toán, kiểm tra, thậm chí thanh tra nếu cần và có giải pháp phù hợp riêng. Vấn đề đầu tiên, cũng là mấu chốt là nguyên nhân thua lỗ là gì? Các DN nhà nước, nhất là những DN kinh doanh các lĩnh vực độc quyền tự nhiên, ngoài nhiệm vụ phải kinh doanh có hiệu quả thì có khi lại "được" hay "bị" giao những nhiệm vụ chính trị hay xã hội làm giảm sút hiệu quả. Do đó, khi các DN nhà nước này báo cáo lỗ thì Kiểm toán Nhà nước cần bóc tách nguyên nhân những khoản lỗ đó, cái nào là do gánh vác nhiệm vụ chính trị hay xã hội, cái nào là do quản lý kém, thậm chí do lãng phí, tham nhũng. Không nên để tình trạng "đánh bùn sang ao" hay "té nước theo mưa" khi xem xét trách nhiệm của người lãnh đạo những DN nhà nước thua lỗ mà phải xem xét đến cả những yếu tố khách quan đó.
Mặt khác, Chính phủ cần hạn chế tối đa việc giao cho các DN nhà nước những nhiệm vụ khiến họ phải vi phạm quy luật của kinh tế thị trường. Nghĩa là nếu cần hàng hóa hay dịch vụ của họ thì nên đặt hàng hay mua hàng từ những DN này theo phương thức thị trường. Phải nói thêm là có những DN nhà nước vốn có độc quyền tự nhiên, như Vietnam Airlines, nhưng giờ đây phải cạnh tranh quyết liệt với những hãng hàng không tư nhân theo tinh thần sân chơi bình đẳng. Tuy đã có nhiều nỗ lực cải tiến nhưng do có vốn nhà nước chi phối và phải tuân thủ pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước nên tính chủ động và linh hoạt bị hạn chế hơn tư nhân. Do đó, khi đánh giá nguyên nhân thua lỗ cũng cần quan tâm những điều này.
Lỗ vì không được kinh doanh ngoài ngành?
Trước câu hỏi vì sao Vietnam Airlines vẫn lỗ trong khi vẫn có hãng hàng không đã báo lãi, đại diện hãng hàng không quốc gia cho rằng nếu chỉ kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần thì không có hãng hàng không nào có lãi giai đoạn vừa qua. Vietnam Airlines ngoài vận tải hàng không thì không kinh doanh gì khác, cổ đông lớn nhất là nhà nước cũng không có giải pháp gì ngoài hỗ trợ vay ưu đãi và phát hành thêm cổ phiếu. Các hãng khác, ngoài vận tải hàng không còn có nhiều khoản bù đắp cho vận tải như thu nhập từ hoạt động tài chính và đầu tư. Trong thu nhập từ hoạt động tài chính lại có con số từ hoạt động tài chính khác rất lớn mà không rõ là từ gì. Hoạt động đầu tư cũng có con số từ hoạt động đầu tư khác rất lớn để bù đắp cho vận tải hàng không.
Theo NLĐO