Người dân e ngại thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện vẫn gặp khó?
Mặc dù chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đang được thúc đẩy trong đó có ngành y. Tuy nhiên, nhiều người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn chưa rõ về thanh toán điện tử.
Ở quê nên không biết
Mặc dù, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường và thanh toán qua thẻ ATM cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu.
Tuy nhiên, tại quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Bạch Mai nhiều người vẫn e dè với cách thanh toán không dùng tiền mặt này. Chị Ngô Thị Hoa – Bắc Ninh, 43 tuổi, bệnh nhân K tuyến giáp đến Bệnh viện Bạch Mai tái khám 6 tháng 1 lần. Chị Hoa cho biết dù nghe nói có thể thanh toán không dùng tiền mặt nhưng bản thân chị vẫn kiên trì với cách thanh toán truyền thông – tiền trao, hoá đơn nhận. Chị Hoa cho biết chị ở quê không có tài khoản ngân hàng nên không rõ thanh toán như thế nào.
Hay như trường hợp của ông Vũ Văn Thập – 57 tuổi, quê Nam Định, 1 lần lên Hà Nội chơi, ông Thập vào viện kiểm tra sức khoẻ. Mặc dù bệnh viện có 2 hình thức đóng viện phí là nộp tiền mặt và thanh toán qua thẻ nhưng ông vẫn quyết định chờ đợi xếp hàng để đóng viện phí thay vì mở tài khoản bởi ông ngại không biết cách dùng như thế nào. Hơn nữa, chỉ mở tài khoản để đóng viện phí, sau đó về quê không dùng đến thì hơi phí.
Nhưng thực tế không như ông Thập nghĩ. Chị Ngô Thị Hoa sau khi được nhân viên tư vấn ưu điểm khi mở tài khoản đã quyết định đăng ký mở tài khoản ngân hàng với giá 2 triệu đồng và quẹt thẻ sử dụng cho mỗi lần khám. Việc thanh toán khám chữa bệnh này có thể giúp chị bỏ qua 30 phút chờ đợi đóng tiền như mọi khi.
Tuy nhiên, chị Hoa cho biết việc dùng thẻ ATM này chỉ tiện khám theo yêu cầu, còn đối với bệnh nhân mãn tính khám BHYT chị lo lắng không được áp dụng.
Hơn nữa, việc đăng ký thanh toán qua thẻ không đồng bộ vì có khu vực đăng ký thanh toán qua thẻ, có khu vực phải trả tiền mặt nên vẫn phiền hà. Chị Hoa cho rằng nếu đã thanh toán qua thẻ thì nên chăng cho quẹt thẻ ở tất cả hệ thống bệnh viện.
Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn gặp khó |
Chị Mai Thị Hà – Đống Đa, Hà Nội cho biết việc thanh toán điện tử còn nhiều bất cập đó là các loại hình thanh toán còn hạn hẹp và chỉ thanh toán được tài khoản ngân hàng liên kết với bệnh viện. Chị Hà dùng tài khoản của ngân hàng khác nên không thanh toán được.
Vì sao khó thực hiện?
Từ năm 2014, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank triển khai Giải pháp Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đây là dịch vụ thanh toán mới, hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, lần đầu tiên triển khai trong hệ thống các bệnh viện và ngân hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên đến nay Bệnh viện Bạch Mai vẫn không nhân rộng mô hình này mà chỉ dừng lại ở khoa khám bệnh theo yêu cầu. Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, do đối tượng bệnh nhân của bệnh viện từ tuyến dưới chuyển lên khá đông, nhiều trường hợp người cao tuổi, người dân tộc thiểu số chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi khám chữa bệnh thường không giữ lại thẻ và khi khám mới tiến hành làm lại, việc này gây nên sự lãng phí lớn.
Ngoài ra, mô hình thanh toán qua thẻ ATM chưa có sự kết nối, liên thông giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau.
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Y tế đã có một số bệnh viện đã tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và ghi nhận những kết quả hết sức tích cực như Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bãi Cháy – Quảng Ninh….
Khánh Chi