Người cao tuổi có nên tiêm vắc xin phòng cúm?
Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 800 nghìn người bị mắc cúm. Đa phần cúm có diễn biến nhẹ, người bị cúm vài ngày có thể khỏi nhưng với nhóm ngườicao tuổi, người có bệnh nền mãn tính như bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, tim mạch thì mắc cúm làm gia tăng diễn biến nặng.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An VIệt, Hà Nội hiện chúng ta đang ứng phó với nhiều dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và cúm mùa cũng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Số ca nhiễm cúm tăng cao ở khu vực miền Bắc ghi nhận có ca tử vong vì cúm.
Ở Việt Nam trong hai năm Covid-19 hoành hành nên không nhìn rõ dịch Cúm gia tăng như thế nào nhưng thực tế hàng năm vẫn có hàng trăm ca tử vong vì cúm. Trong năm 2022, chúng ta ghi nhận riêng tại Hà Nội có hàng nghìn ca nhiễm cúm và hàng chục người tử vong.
Cúm không chỉ là bệnh đơn thuần mà còn gây gánh nặng cho ngành y tế. Nếu cúm ở người trẻ có thể tự khỏi thì người cao tuổi lại có diễn biến nặng. Nhiều ca cúm vài ngày vào viện trong tình trạng khó thở khi đó bệnh nhân đã có biến chứng về tim mạch, hô hấp… thậm chí biến chứng thần kinh.
Hiện nay nhiều người còn chủ quan với cúm, thậm chí người bệnh còn tin rằng cúm là bệnh thoáng quá. Nhưng sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, mối lo ngại với cúm mùa thực sự đáng quan tâm. PGS An cho biết tỷ lệ bệnh nhân vào viện liên quan tới biến chứng do cúm tăng lên rõ rệt, nhất là ở người cao tuổi.
Người dân sợ Covid-19 nhưng cúm cũng nguy hiểm và khi bỏ các biện pháp phòng Covid-19 thì dịch cúm sẽ gia tăng. Điều đáng lo ngại là các triệu chứng ban đầu của bệnh cúm dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên nhiều người xem nhẹ.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng có nguy cơ đồng nhiễm cả Covid-19 và cúm vì con cháu đi làm mang virus về nhà. Nếu nhiễm cả hai bệnh này thì người cao tuổi có nguy cơ thở máy cao gấp 4 lần, nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần.
Việc điều trị cúm từ thuốc kháng virus vẫn còn hạn chế, thuốc chưa chắc hiệu quả với tất cả người bệnh. Để dự phòng cúm cho người cao tuổi, PGS An cho lời khuyên nên vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và tiêm vắc xin cúm theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Bác sĩ An cho biết giải pháp dự phòng là tiêm vắc xin giúp người bệnh có đề kháng để bảo vệ khi mắc cúm kể cả góc độ cá nhân và góc độ cộng đồng.
K.Chi