Người cao tuổi khởi nghiệp khó tiếp cận vốn vay
Nhu cầu việc làm của người cao tuổi ngày càng lớn nhưng thị trường cho người cao tuổi hiện nay chưa được hình thành. Nhiều định kiến về việc người già thì làm được gì, già thì nghỉ ngơi nên đã gây ra rào cản cho người cao tuổi. Thực tế hiện nay một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Điều đáng nói, người cao tuổi không biết tìm việc làm ở đâu. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Bởi, chưa có chính sách cho người cao tuổi vay vốn; người cao tuổi muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh phải thông qua các tổ chức khác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… hoặc vay vốn từ quỹ của Hội.
Về hưu ở tuổi 60 nhưng sức khoẻ còn rất tốt, ông Đỗ Văn Bưu (Hà Đông, Hà Nội) đã bàn với vợ mua một xe ô tô để ông lái xe dịch vụ. Khi đăng ký mua xe, ngân hàng yêu cầu ông phải đóng bảo hiểm khoản vay vì ông đã già. Thủ tục vay rất lằng nhằng nên ông quyết định rút khoản tiết kiệm sau hơn 30 năm đi làm để lập nghiệp lại ở tuổi về hưu. Nhờ đó, 4 năm nay vợ chồng ông vẫn có thu nhập. Đi làm cũng khiến ông Bưu vui hơn là ở nhà vì ông thấy sức khoẻ mình còn nếu ở nhà chơi rất lãng phí.
Ông Nguyễn Đức Nhượng – huyện Yên Dũng, Bắc Giang gần 70 tuổi nhưng ông vẫn điều hành xưởng sản xuất gạch của gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển doanh nghiệp, ông Nhượng cho biết ông gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Các ngân hàng đều cho rằng tuổi tác của ông đã cao nên không có khả năng tin tưởng ông trả được nợ.
Người ta sợ người già không có thể trả được vốn nên khó vay. Vì vậy, để phát triển sản xuất ông đều vay bạn bè, người thân chứ không thể vay được ngân hàng.
Không riêng gì ông Nhượng, ông Đào Văn Nam (Đông Hưng, Thái Bình) 70 tuổi nhưng sức khoẻ của ông còn tốt. Ông Nam muốn tự phát triển sản xuất bằng nuôi bò, nuôi dê nhưng không thể vay được vốn. Nhiều lần ông ngỏ ý muốn vay thì cán bộ ngân hàng cho rằng ông quá tuổi vay nên nhờ con cháu vay hộ. Để mua được 3 con bò giống, con trai của ông phải đứng ra vay ngân hàng tạo vốn cho bố. Việc đi làm vừa giúp người già khoẻ hơn thay vì ở nhà quanh quẩn với sân vườn nhưng ai cũng bảo “già rồi làm ăn gì nữa” hay trẻ cậy cha, già cậy con.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng – Phó Chủ tịch trung ương Hội người Cao tuổi Việt Nam cho biết người cao tuổi không chỉ ở Việt Nam và cả thế giới họ vẫn phải làm việc. Trung ương hội cao tuổi đưa vào chương trình hành động Quốc gia khởi nghiệp người Cao tuổi. Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Người cao tuổi cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai. Theo ông Hùng, trung ương Hội người Cao tuổi đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội và Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bàn các giải pháp cụ thể.
Đầu tiên sửa Luật Việc làm và các nghị định thông tư hướng dẫn để người cao tuổi có thể tiếp cận việc làm, vay vốn, tiếp cận thị tường lao động thì người cao tuổi mới tham gia được khởi nghiệp và phát triển kinh tế.
Việc thực hiện hỗ trợ cho vay vốn đối với người cao tuổi còn đủ khả năng lao động giúp họ trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo ra của cải cho xã hội. Giúp người cao tuổi chủ động cuộc sống, không phụ thuộc vào con cháu trong gia đình, xóa bỏ tư tưởng là đối tượng sống phụ thuộc của người già. Hỗ trợ vay vốn còn là cách tạo động lực cho người cao tuổi tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất.
Tham gia lao động sản xuất còn giúp người cao tuổi sống khoẻ hơn vì họ được rèn luyện sức khỏe, suy nghĩa tích cực, sống vui, sống khỏe, sống có ích góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Khánh Chi