Nhiều người cao tuổi vẫn miệt mài làm việc, đóng góp cho xã hội
Về hưu được 5 năm nhưng bản thân ông Nguyễn Đức Thiêm (65 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) vẫn muốn đi làm thêm để đỡ buồn.
Ông Thiêm cho biết ông về hưu từ 5 năm trước. Ban đầu về hưu sau nhiều năm công tác ông ở nhà chơi, cùng vợ chăm sóc các cháu nội ngoại. Khi các cháu lớn đi học, hai ông bà ở nhà buồn nên ông Thiêm nghĩ tới đi làm thêm. Khi ông nói việc đi làm thêm, các con đều phản đối cho rằng “gia đình có đến nỗi nào đâu mà bố phải đi kiếm tiền”. Tuy nhiên, ông Thiêm cho biết ở nhà buồn bực chân tay, suốt ngày xem ti vi cũng chán. Trong khi sức khoẻ của mình có, còn lao động được.
Sau khi hai vợ chồng bàn bạc, chia việc, ông Thiêm quyết định đi làm thêm tại một siêu thị đồ mẹ và bé. Việc làm bảo vệ không quá vất vả. Ông Thiêm chỉ việc dắt xe vào đúng vị trí. Từ khi đi làm thêm, ông thấy mình khoẻ hơn, ăn uống ngon miệng hơn. Ban đầu các con không hài lòng nhưng thấy bố mẹ vui vẻ nên không ai phản đối.
Cũng giống ông Thiêm, bà Lê Thị Loan làm y tá tại một bệnh viện công. Bà Loan về hưu ai cũng bảo bà nghỉ ngơi nhưng bà thấy tiếc. Bản thân còn trẻ, khoẻ nên tìm mọi cách để các con cho đi làm thêm.
Bà Loan kể lúc đi làm ai cũng bảo “trốn trông cháu”nhưng thực chất bà thấy việc đi làm vui hơn, mang lại giá trị cho xã hội. Bà làm y tá cho một phòng khám tư nhân cũng kiếm đủ tiền để trang trải sinh hoạt và chi tiêu cho mình.
Về hưu được 4 năm nhưng ông Nguyễn Văn Kiên – một viên chức nhà nước bắt đầu đi mua xe ô tô để chạy xe dịch vụ. Ông Kiên cho biết bản thân mình đi làm thấy vui, không cần lo lắng. Ông còn sức khoẻ, mỗi chuyến đi lại thêm kinh nghiệm, coi như một phần làm mới cuộc sống khi về già. Từ ngày nghỉ hưu, ông Kiên cười trừ “thu nhập của tôi còn cao hơn cả lúc đang đi làm. Trước đây, lương của tôi cộng phụ cấp tới khi về hưu chỉ được 12 – 13 triệu đồng thì hiện tại tôi có thể kiếm 20 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí xăng xe, cầu đường, ăn uống tôi để tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng. Khi nào già quá, sức khoẻ không cho phép thì tôi không đi làm nữa.
Cũng về hưu nhưng GS Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, vẫn chọn cho mình niềm vui đi làm. GS Bình cho biết sau khi về hưu ông ký hợp đồng làm việc cố vấn cho bệnh viện 5 năm. Ngoài thời gian đi làm cho bệnh viện, thi thoảng GS Gia Bình vẫn tham gia hội chẩn ở buổi hội chẩn khó. GS Bình cho biết ông vẫn dành thời gian làm việc vừa giúp đỡ bệnh nhân, vừa góp sức của mình cho việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nhiều người bệnh của GS Bình cũng là người cao tuổi nên ông hiểu họ cần gì khi đi khám bác sĩ.
GS Bình cho biết về hưu, ông tự thấy mình khoẻ hơn, vẫn đóng góp được cho xã hội, vẫn kiếm được tiền để tự chi tiêu và dành một phần lo tuổi già tương lai.
Về hưu được hơn 10 năm nhưng ông Nguyễn Đức Hà – 71 tuổi, Quan Nhân, Hà Nội, vẫn chưa an nghỉ tuổi già mà ông Hà bắt đầu “khởi nghiệp”. Hai vợ chồng ông Hà mở tiệm bánh bao tự làm ngay tại nhà và bán online trên mạng. Đến nay, sau 4 năm buôn bán online vợ chồng ông Hà vừa có thêm thu nhập, vừa có niềm vui tuổi già, không cảm thấy là người thừa. Con cháu cũng vui vẻ vì bố mẹ già khoẻ, không lo lắng kinh tế.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Xã hội của Quốc hội, hiện nay người về hưu không phải là đã già hẳn mà rất nhiều người còn có nhu cầu việc làm. Họ còn sức khoẻ, còn trí tuệ và đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với những lĩnh vực cần hàm lượng chất xám cao như giáo dục, y tế... thì lực lượng lao động sau về hưu cho thấy nhiều thế mạnh về kỹ năng, kinh nghiệm và đây thực sự là vốn quý cho xã hội.
Theo ông Lợi, hiện có khoảng 60% lao động sau nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm và họ rất cần được tiếp cận với thông tin việc làm, tạo điều kiện về vốn... Giải quyết việc làm cho lao động sau về hưu đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa cả về mặt kinh tế cả về mặt xã hội. Ông Lợi cho rằng chúng ta nên tận dụng nguồn chất xám như vậy để phát triển kinh tế, xã hội.
Khánh Chi