Quan tâm phục hồi răng cho người cao tuổi
Ít quan tâm tới răng miệng
Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh có ảnh hưởng đến răng miệng, tuy nhiên không ít người cao tuổi không quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, có người cao tuổi quan niệm sai lầm rằng khi già thì răng phải rụng và đó là chuyện bình thường.
Chính những quan niệm sai lầm và yếu tố tâm lý ngại đi khám răng hoặc sợ các thủ thuật điều trị nha khoa nên các bệnh lý về nha khoa người cao tuổi gặp phải thường trầm trọng hơn so với người trẻ.
Ông Nguyễn Bính H. quê Hải Dương được con cái đưa lên Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương vì viêm nha chu gây đau nhức răng, do ảnh hưởng của răng số 8, nhiễm trùng quanh răng. Ông H. cho biết ông bị nhức răng nên ra ngoài hiệu thuốc mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Tình trạng nhiễm trùng nặng khiến bệnh nhân còn bị viêm trung thất do dịch chảy từ răng xuống. Ông H. còn rụng thêm răng số 4 và số 5. Theo ông, rụng răng là tình trạng bình thường của người già nên ít quan tâm tới.
Còn ông Đỗ Thế Ng. 72 tuổi, quê Thái Bình, được con đưa lên bệnh viện trồng răng vì ông Ng. bị mất gần hết răng hàm. Mất răng khiến mặt của ông Ng. hốp hác, ăn uống kém, cơ thể suy nhược. Gia đình con cái có điều kiện nhưng không biết làm cách nào giúp ông Ng. Bản thân ông cũng coi rụng răng là điều đương nhiên của người già. Khi lên bệnh viện khám, bác sĩ cho biết có thể đặt răng giả cho ông như răng thật. Sau cấy răng, ông Ng. cũng không nhận ra mình vì thấy mặt đầy đặn hơn, nhai thức ăn cũng tốt hơn trước.
Cách phục hồi răng cho người cao tuổi
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – Răng hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi ăn uống khó khăn vì họ đã bị mất răng. Tuy nhiên, việc chăm sóc, phục hồi răng cho người cao tuổi ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mực.
Theo bác sĩ Chơn, càng lớn tuổi khả năng mất răng rất cao. Do trong quá trình ăn nhai ngoài sâu răng thì người càng lớn tuổi sự tiêu xương theo tuổi có thể gây nha chu, lung lay răng và nhổ răng khiến người cao tuổi mất răng.
Việc phục hồi răng cho người cao tuổi cần quan tâm hơn nữa. Người cao tuổi mất răng lại tiêu xương nên ảnh hưởng tới chức năng và ảnh hưởng cả tới thẩm mỹ gây “móm” răng. BS Chơn cho biết có nhiều bệnh nhân cao tuổi đến gặp bác sĩ than thở về việc răng của họ bị mất và gây móm. Có những người tự ti về thẩm mỹ còn không dám lên phát biểu trước đám đông. Vì vậy, việc phục hồi răng cho người cao tuổi có một số phương pháp:
Thứ nhất: Có thể đeo hàm tháo lắp nhưng đeo hàm này bất tiện cho người dùng.
Thứ hai: bác sĩ có thể sử dụng hàm cố định.
Sử dụng hàm cố định là cấy ghép implant như trồng răng thật thay vì phải mài răng, cầu răng như trước.
Cấy implant áp dụng cho tất cả bệnh nhân bị mất răng toàn bộ, đặc biệt là người lớn tuổi (50 tuổi trở lên). Tuy nhiên, bác sĩ Chơn cho biết bệnh nhân phải kiểm tra về sức khỏe cũng được yêu cầu nghiêm ngặt, đặc biệt với một số bệnh như huyết áp, tiểu đường, tim mạch và những bệnh về sức khỏe khác.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ kết hợp với bác sĩ nội khoa để đưa ra kết luận chính xác tình trạng sức khỏe bệnh nhân có phù hợp để cấy ghép implant hay không, và cần sử dụng những loại thuốc nào để phẫu thuật an toàn. Người bệnh cần đủ xương và đủ sức khoẻ để trải qua cuộc phẫu thuật trồng răng. Sau trồng răng theo cách cấy implant thì không bị ảnh hưởng sức khoẻ, nhai bình thường. Bác sĩ Chơn chú ý, người cao tuổi để phục hồi răng bằng cấy ghép cần phải điều trị triệt để bệnh đi kèm như đái tháo đường, loãng xương.
Khi cấy ghép implant, người cao tuổi vẫn phải chăm sóc răng rất kỹ, chải răng hàng ngày nếu không sẽ hỏng răng. Nếu xương hàm của người cao tuổi ổn định thì cấy implant sẽ giống răng thật đi suốt cuộc đời của người bệnh.
BS Chơn khuyến cáo người cao tuổi nên có kế hoạch điều trị nha khoa một cách triệt để trước khi bước vào tuổi 60. Những răng bị sâu nên trám lại, nếu mất răng nên trồng lại răng giả mới. Vì càng lớn tuổi sức khỏe càng kém việc đi lại khó khăn, nên điều trị nha khoa triệt để là điều cần thiết ở giai đoạn này. Người cao tuổi cũng nên kiểm tra răng định kỳ 3-6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các bệnh về răng miệng, nhất là bệnh về lợi ở người cao tuổi có thể dẫn đến ung thư niêm mạc miệng.
K.Chi