Ngư dân đồng hành trong phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo
Biển Đông trong đó gần 30% là biển Việt Nam, là nơi có nhiều tôm cá và giàu đa dạng sinh học cấp toàn cầu. Tuy nhiên cũng như các vùng biển và đại dương khác, chúng ta đang chứng kiến sự mất dần các loài sinh vật quý giá vốn một thời là niềm tự hào của các quốc gia trong khu vực biển này.
Ngư dân hiện diện trên biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển |
Các nhà khoa học khẳng định thế giới có thể mất đi 50% trữ lượng hải sản tự nhiên do khai thác cạn kiệt và 30% số loài đe dọa tuyệt chủng do khai thác quá mức.
Trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía Tây biển Đông giảm khoảng 16% so với trước năm 2015. Trung Quốc đã phá hủy hàng nghìn ha hệ sinh thái rạn san hô và các quần thể sinh vật đi kèm mà chúng ta phải mất hàng nghìn năm mới có thể tạo nên.
Việc phá hủy không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn mà còn cắt đứt mối liên kết sinh thái giữa các quần đảo này với quần đảo kia của biển Đông.
Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản của biển Đông và các vùng biển lân cận của các quốc gia khác trong khu vực biển này. Điều đặc biệt, kéo theo đó mà mất an ninh môi trường và làm thiệt hại nghiêm trọng đến nghề cá và cuộc sống của ngư dân cho các quốc gia ven biển Đông.
GS. John MCManus (Mỹ) đã cảnh bảo “Chúng ta đang tiến tới sự đổ vỡ lớn trong ngành thủy sản và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Đã đến lúc chúng ta phải hành động”.
Ngoài ra các hoạt động khai thác hải sản mang tính chất hủy diệt của một số đối tượng trong khu vực biển Đông đã gây ra suy thoái hệ sinh thái và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài như: Rùa biển, các loài cá mập và các giống cá khác, đặc biệt là loài trai tai tượng.
Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng cộng với việc khai thác khối lượng lớn các loài vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn dẫn đến sự nhiễu loạn sinh thái kéo dài, tiêu diệt các loài sinh vật đáy.
Ngoài ra, số lượng lớn rạn san hô và các loài cá ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông đã giảm từ 460 xuống 261 loài và trong danh sách loài trong tình trạng nguy cấp hiện bao gồm cả rùa xanh, tai khổng lồ và đồi mồi.
Riêng trong vùng biển gần bờ ở nước ta, áp lực khai thác và mật độ tàu khai thác thủy sản trên 1 km vuông rất cao và thời gian khai thác gần như quanh năm. Các phương thức và công cụ khai thác còn lạc hậu mang tính tận thu đã hủy diệt môi trường sống của các loài thủy sản.
Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của nó còn chịu tác động bất lợi từ các hoạt động kinh tế của con người vùng ven biển như đô thị hóa, khu công nghiệp, khai khoáng….
Hơn nữa, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang hiện hữu cực đoan hơn và tác động khốc liệt hơn đối vơi cơ sở nguồn lợi, nghề cá và ngư dân.
Trên thực tế nguồn lợi thủy hải sản ven bờ đã cạn kiệt ở mức báo động sau cảnh báo về mức độ khai thác quá mức của ngành thủy sản vào năm 2000, trong đó số lượng tàu cá nhỏ và cường lực khai thác ven bờ vẫn tăng không ngừng.
Trong thời gian qua, ngành thủy sản đã đóng góp đáng kể trong thị phần xuất khẩu của đất nước, chủ yếu từ khai thác trên biển và nuôi trồng ven biển.
Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đtạ 6,56 triệu tấn trong đó khai thác đạt 3,03 triệu tấn, nuôi trồng 3,53 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 7,5 tỷ USD.
Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên tái tạo nhưng không phải vô tận cho nên công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn.