Nền kinh tế năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ chương trình phục hồi kinh tế
Áp lực tăng lãi suất trong nước tăng lên từ giữa năm 2022 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, gây áp lực tới tỷ giá và cân đối ngoại tệ.
Sau 9 tháng kiên định giữ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, trước áp lực tăng mạnh lãi suất của Fed, NHNN đã tăng lãi suất điều hành. Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020.
Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Phân tích và Dự báo KT-XH (NCIF), Bộ KH&ĐT - việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ trước, không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành, và các tác động lan truyền đến lãi suất cho vay cũng đã diễn ra từ trước đó.
Theo TS. Thắng, dữ liệu kinh tế quý 4 sẽ mang lại nhiều chỉ báo hơn cho triển vọng đường hướng lãi suất của năm sau. Song, nhìn chung áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay vẫn khá lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao.
Việc mất cân đối giữa huy động - cho vay đã lên tới 7%, điều này cũng sẽ gây sức ép lên đà tăng lãi suất. Ngoài ra, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại.
Tổng hợp các yếu tố tác động, với việc Fed tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022, TS. Trần Toàn Thắng dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm 2022.
Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, các ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
“Lãi suất cho vay về cơ bản sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và có thể mức tăng không đáng kể vì chỉ đạo chung của Quốc hội, của Chính phủ là phải ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp”, TS. Trần Toàn Thắng nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có khả năng chống chịu khá tốt và đang có sự phục hồi tích cực trong năm 2022. Nguyên nhân chính là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của cầu trong nước, việc thực hiện linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài chính.
TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ là “điểm tựa” để tiếp tục quá trình phục hồi trong năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025.
Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể sẽ chậm lại – từng bước trở về trạng thái trước dịch Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thuộc NCIF dự báo, năm 2023 rủi ro tài chính có thể tăng lên khi nhìn vào những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, do đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của đầu tư và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng đối mặt với thách thức không nhỏ khi các thị trường lớn có thể bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Tuân Nguyễn