Nạn nhân bị mua bán trở về cần được hỗ trợ nhiều mặt
Trong tháng 9 và tháng 10/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành việc tổ chức tập huấn về công nhận tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ các xã, phường, thị trấn.
Sáng 21/9, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình) tổ chức hội nghị tập huấn về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kiến Xương.
Lớp tập huấn công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại huyện Kiến Xương, Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Tại hội nghị, 165 đại biểu là cán bộ lao động - thương binh và xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công an xã, cán bộ tư pháp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kiến Xương được truyền đạt, phổ biến những nội dung về thực trạng mua bán người tại Việt Nam và Thái Bình; các hình thức mua bán người và các thủ đoạn của tội phạm mua bán người; hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xác minh hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; vấn đề hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; một số quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người…
Mục tiêu của buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người, qua đó ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng mua bán người tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Theo kế hoạch, trong tháng 9 và tháng 10/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành việc tổ chức tập huấn về công nhận tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ các xã, phường, thị trấn tại TP Thái Bình và các huyện trong tỉnh.
Nạn nhân bị mua bán trở về cần sự hỗ trợ về nhiều mặt để tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) - đơn vị tham gia hỗ trợ nạn nhân cho biết, nạn nhân bị mua bán trở về thường chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần, thậm chí có những người bị mất trí nhớ, nghiện rượu, ma túy hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Vì vậy, họ dễ gặp sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh; còn bản thân họ cũng mang theo những mặc cảm, tự ti, nên không dễ hòa nhập cộng đồng…
Thấu hiểu điều này, thời gian qua các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng luôn chung tay hỗ trợ nạn nhân. Nhà nước và các cơ quan chức năng có nhiều chính sách, giải pháp trợ giúp cho họ cả về vật chất, tinh thần. Năm 2020, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ban hành các quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và mức chi đối với công tác hỗ trợ nạn nhân để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người.
PV (tổng hợp)