Máy bay không người lái, áo giáp chống bắn tỉa… bất ngờ xuất hiện ở Đà Nẵng
Với hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học, không chỉ có các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề nóng trong an ninh-quốc phòng, mà còn có cả những ứng dụng để Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng rất nhiều sản phẩm y dược phục vụ người dân chăm sóc sức khỏe.
![]() |
Máy bay không người lái Pelican |
Tôi và nhiều người tham quan đã vô cùng ngưỡng mộ khi được thấy ở đây mô hình chiếc máy bay không người lái Pelican do các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH&CNVN) chế tạo. Chiếc máy bay có tốc độ 120km/giờ trong bán kính hoạt động 50km và đang được các nhà khoa học của đơn vị đầu tàu trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam tiếp tục cải tiến để có thể bay được xa hơn với nhiều tính năng hữu ích nhất, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Với sự sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam, chiếc máy bay này được thiết kế phù hợp với môi trường Việt Nam và đặc biệt có thể hoạt động bình thường khi mất tín hiệu vệ tinh GPS, GNSS hoặc bị can nhiễu đường truyền. Máy bay còn có hệ thống quan sát cả ngày và đêm, chụp ảnh phổ hoặc hệ thống quan sát hỗn hợp.
Các nhà khoa học đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng. TS. Nguyễn Văn Thao và cộng sự đã có nghiên cứu để sáng chế các tấm giáp bảo vệ chống lại đạn súng bắn tỉa CZ750, súng AK47, các loại đạn súng có khả năng sát thương. Nhà khoa học này còn nghiên cứu cả chiếc mũ bảo hiểm chống va đập dành riêng cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, để tăng khả năng bảo vệ phần đầu và gáy, chống được gậy đập, gạch ném và dao chém khi làm nhiệm vụ và tham gia giao thông vv…
![]() |
Tấm giáp bảo vệ chống lại đạn súng bắn tỉa CZ750, súng AK47 |
Nhiều nghiên cứu khoa học trong y dược học đã được đánh giá cao tại sự kiện KHCN này bởi tính ứng dụng nhạy bén và kịp thời, mang tính thời sự. Các công trình khoa học: hỗ trợ điều trị ung thư CumarGold Kare; hỗ trợ điều trị bệnh gan từ cây an xoa tím và sản phẩm dùng cho bệnh nhân bị loét ép từ cây nghệ và cây sim; dưỡng chất nano vi lượng, đa lượng cho cây trồng của nhà khoa học Hà Phương Thư – Trưởng phòng Vật liệu Nano Y Sinh (Viện Khoa học vật liệu) đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn vì đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam, đồng thời góp phần phát triển kinh tế –xã hội.
Các nghiên cứu của TS. Trần Thị Ngọc Dung -Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường - Viện Công nghệ môi trường đặc biệt có ý nghĩa trong phòng chống kháng thuốc kháng sinh – vấn đề lớn của Việt Nam và thế giới hiện nay khi chế tạo băng gạc Nano bạc điều trị vết loét hoại tử, nước súc miệng phòng chống các bệnh răng miệng và viêm họng, khẩu trang Nano bạc phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
Việc điều trị vết thương và da nhiễm khuẩn giờ đã có thêm một biện pháp mới từ công trình khoa học của TS. Đỗ Hoàng Tùng (Viện Vật lý) là máy phát tia plasma lạnh. Đánh giá cao về sáng kiến này, TS. Vũ Thị Thu Lan – Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện HLKH&CNVN) cho biết: Đây là vấn đề khoa học mới trong lĩnh vực y học, làm thay đổi quan niệm về điều trị vết thương, giảm phụ thuộc vào kháng sinh. Việt Nam hiện là một trong những nước đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ này.
![]() |
Giáo sư - TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện HLKH&CN Việt Namvà các đại biểu tham quan các sản phẩm của các nhà khoa học được trưng bày. |
Ở đây còn nhiều sản phẩm mà các nhà khoa học nghiên cứu đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng cũng có mặt: Giải độc Naturen, viên khớp Arostin, thuốc cai nghiện Heantos 4 … PGS.TS. Phan Tiến Dũng -Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện HLKH&CNVN) cho biết: Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh có nhiều sản phẩm đang bị làm giả với nguyên liệu có xuất xứ không rõ ràng nhưng quảng cáo quá mức so với sự thật. Những nghiên cứu này còn có thể gợi ý về đầu mối nghiên cứu chuyên ngành cho việc nghiên cứu, sản xuất hay hợp tác phát triển trong mong muốn đưa công nghệ Việt cất cánh.
Chiếc máy phân tích huỳnh quang tia X VietSpace rất hiện đại của TS. Lê Quang Huy và TS. Nguyễn Thế Quỳnh (Phòng Phát triển thiết bị và phương pháp phân tích -Viện Khoa học Vật liệu) cho phép phân tích định tính và định lượng thành phần nguyên tố của vật liệu, giúp cho các đơn vị kiểm định được chất lượng sản phẩm trong sản xuất xi măng, phân bón vô cơ, kim loại màu, bảo vệ môi trường. Theo TS. Lê Quang Huy, thiết bị này cho phép có kết quả phân tích chỉ trong 3 phút mà vận hành rất đơn giản.
![]() |
Đặc biệt, ngoài lợi ích chính là kiểm định chất lượng, đây sẽ là một thiết bị vô cùng có ý nghĩa giúp xác định nhanh hàm lượng phân bón nhanh chóng, trong bối cảnh phân bón giả đang tràn lan trên thị trường, gây bức xúc cho dư luận vì những hậu quả khôn lường cho người dân.
Có thể nói, các ứng dụng từ việc nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ mang đến những lợi ích to lớn cho xã hội, mà còn làm thay đổi quan niệm về việc các nhà khoa học chỉ nghiên cứu vĩ mô, rồi “cất ngăn kéo” như từng xảy ra.