Mắc biến thể mới BA.5 có làm bệnh nặng hơn?
Những người đã mắc Covid-19 với biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Hai biến thể này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.
Tại nước ta, hiện lưu hành chủ yếu biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron, có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Tuy nhiên, theo báo cáo Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc biến thể phụ BA.5, mới đây nhất là BA.4. Đây là hai biến thể phụ mới nhất của chủng Omicron.
Sự xuất hiện hai biến thể mới này khiến nhiều nước lo ngại một làn sóng bùng phát dịch mới.
Ảnh minh hoạ |
Tại Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 trong những tuần vừa qua trung bình 140-160 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca Covid-19 có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là ngày 1/7/2022 ghi nhận 298 ca/ngày.
Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc Covid-19 do biến thể BA.5 tại cộng đồng. Trường hợp này được BV Bạch Mai thông báo.
Câu hỏi được nhiều người băn khoăn liệu nhiễm biến chủng Omicron BA.5 có gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không?.
Theo CDC Mỹ, sau đây là 4 triệu chứng điển hình khi mắc Omicron, trong đó bao gồm cả Omicron BA.5 và BA.4: Ho; Mệt mỏi; Nghẹt mũi; Chảy nước mũi.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin, hiện các nhà khoa học đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan, khả năng gây bệnh nặng của 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.
Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cho thấy, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 đến 13%. Đặc biệt, hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.
“Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu để có bức tranh tổng thể”, GS Phan Trọng Lân phân tích.
Các nhà khoa học đưa ra nhận định, còn quá sớm để biết chắc chắn liệu biến thể phụ BA.5 có gây ra các triệu chứng khác biệt đáng kể so với các phiên bản trước đó của virus hay không.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng biến thể phụ BA.5 sẽ hoạt động giống như các biến thể trước đó của chủng Omicron. Cho đến khi các nhà nghiên cứu có thể thu thập thêm dữ liệu về các triệu chứng, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên theo dõi bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến Covid-19.
“Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vắc xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5”, TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh.
Chính vì vậy, GS.TS Phan Trọng Lân, cho rằng, vắc xin tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19. Khi tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 sẽ giúp củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn gửi CDC Hà Nội; TTYT các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế triển khai hoạt động giám sát trọng điểm Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu CDC thành phố hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu đối với các trường hợp có xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 và tiếp nhận, lựa chọn giám sát giải trình tự gen; phối hợp gửi tới các đơn vị có năng lực thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, đôn đốc thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi và mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 (mũi 3, mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên.
Đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị này phối hợp với phòng y tế tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã cần phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai giám sát, thu thập mẫu bệnh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 gửi về CDC Hà Nội để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen.
“Các bệnh viện cần rà soát, sẵn sàng các điều kiện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân thuộc tầng 2, tầng 3”, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
N. Huyền