Bộ Y tế đề nghị 9 bộ ngành tiêm mũi 3, 4 vắc xin Covid-19
Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi 9 bộ về việc tăng cường tiêm vắc-xin Covid-19 cho quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc-xin Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.
Theo đó, 9 bộ nhận công văn gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong công văn, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến thể mới, vắc-xin Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để tăng cường miễn dịch cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, quân nhân, chiến sĩ, Bộ Y tế đề nghị các bộ quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, vận động cán bộ, công nhân viên trong ngành tham gia tiêm chủng đầy đủ, kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng theo hướng dẫn.
Tiêm vắc xin cho người dân tại TP.HCM. |
Các bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý liên hệ với cơ sở tiêm chủng trên địa bàn để được tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các bộ tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công nhân viên trong ngành ngay trong tuần đầu tháng 7-2022.
Theo hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm mũi 4 vắc-xin Covid-19 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.747.397 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.475 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm ở nước ta là 232.676.319 liều.
TS. Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA cho rằng kết quả từ các nghiên cứu của Israel (quốc gia thực hiện việc chích mũi 4 đầu tiên trên thế giới). Mũi thứ 4 cho thấy có thể làm tăng trở lại lượng kháng thể so với người chích mũi 3 sau hơn 6 tháng. Tuy nhiên, so với người chích 3 mũi thì việc tăng hiệu quả bảo vệ khỏi lây nhiễm là không bao nhiêu và chỉ trong thời gian ngắn (trong 6 tuần). Hiệu quả bảo vệ ngăn trở nặng khi mắc Covid-19 có cải thiện được một ít dựa trên số liệu của người cao tuổi (>60 tuổi) và sự khác biệt này có lẽ ít hơn đối với người trẻ tuổi.
Một số chuyên gia cho rằng hệ miễn dịch của chúng ta đã được "huấn luyện tốt" sau 3 mũi vắc xin do vậy hiệu quả của mũi 4 không còn thấy rõ nữa nếu so với người đã chích 3 mũi. Cho tới nay các vắc xin Covid-19 chưa được cải tiến, tức là thành phần chính của vắc xin, protein S của virus SARS-CoV-2, vẫn là bản gốc. Trong khi đó, các virus biến chủng mới gần đây có protein S được biến đổi “rất nhiều so với chủng gốc”.
Hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch không chỉ thể hiện qua lượng kháng thể có trong máu được tạo ra bởi tế bào miễn dịch B mà còn là khả năng nhận biết các tế bào trong cơ thể bị nhiễm virus bởi các tế bào miễn dịch T (để loại bỏ chúng). Cho đến hiện nay, đối với những người đã chích vắc xin đầy đủ, sự tiến hóa của virus với việc biến đổi protein S của chúng đang làm giảm hiệu quả trên mặt trận tế bào B làm cho chúng dễ lây nhiễm hơn nhưng trên mặt trận tế bào T vẫn tạm ổn, vẫn có sự khác biệt lớn giữa tỉ lệ người mắc bệnh nặng trong nhóm đã chích vắc xin so với nhóm chưa chích vắc xin.
Từ kết quả trên, TS Vũ cho rằng tại Việt Nam hiện nay có tỉ lệ người đã chích đủ liều trên cả nước là khoảng 80%, nhiều tỉnh thành đạt 100%, con số này là rất cao. Ngoài ra, sự lây lan nhanh của chủng Omicron trong mấy tháng vừa qua đã đẩy mạnh một số lượng không nhỏ miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng đối với người đã chích vắc xin hoặc chưa chích vắc xin.
TS Vũ cho biết việc tiêm vắc xin mũi 4 không cần bắt buộc chỉ nên khuyến khích đối với những người cao tuổi có bệnh nền liên quan đến suy giảm miễn dịch hoặc những người đã chích vắc xin Verocell nhưng chưa chích bổ sung lại bằng vắc xin công nghệ mới.
Khánh Chi