Làm thế nào để con sử dụng mạng xã hội an toàn?
Nhiều phụ huynh khi biết con có tài khoản mạng xã hội đã bắt đầu cấm đoán, thậm chị tìm mọi cách để đăng nhập tài khoản của con. Việc cấm đoán thái quá có thể mang lại hiệu quả ngược.
Con nghiện Facebook
Gần đây, cả gia đình chị Hà Thị Chinh– Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội như chiến tranh bởi vì phát hiện cô con gái lớp 6 sử dụng Facebook để đăng tải các dòng trạng thái, cảm xúc của mình kèm theo các hình ảnh được chỉnh sửa.
Chị Chinh cho biết bản thân chị và chồng hoàn toàn không biết vì con chặn tài khoản của bố mẹ, qua người khác trong gia đình chị Chinh mới biết. Cảm xúc của chị lúc đó vô cùng lo lắng, có chút bực bội vì con đã giấu diếm bố mẹ. Hai vợ chồng chị bàn nhau thu điện thoại, khoá tài khoản Facebook của con thì bé quay ra cáu gắt, đánh lại em hoặc có các hành động chống đối cha mẹ. Hai vợ chồng chị Chinh không biết làm gì vì bé vẫn phải dùng điện thoại, máy tính học online. Bố mẹ đi làm cháu ở nhà tự học xong lại đăng nhập mạng xã hội trò chuyện với bạn bè, lập các nhóm chat chít.
Chị Nguyễn Lan Hương, Văn Khê, Hà Đông, kể từ năm ngoái bé Thanh An con gái chị đang học lớp 8 được cha mẹ cho dùng điện thoại thông minh để phục vụ học hành. Từ khi có điện thoại An dành nhiều thời gian để lướt mạng hơn. Trung bình mỗi ngày cô bé đều dành 2 – 3 giờ để lướt Facebook. Nhiều lần trước khi đi ngủ bố mẹ thu lại điện thoại thì cháu lấy lý do trao đổi với bạn bè về lịch học, bài tập. Sau đó, gia đình còn phát hiện con gái sử dụng Facebook chủ yếu để buôn chuyện, tìm hiểu mua sắm hay bình luận qua lại với bạn bè hoặc chụp ảnh, chỉnh sửa rồi cùng nhau chia sẻ và bình luận trên mạng.
Con vào Facebook cha mẹ nên làm gì? |
Tận dụng điều tốt từ mạng xã hội
ThS.BS. Nguyễn Mai Hương - Phó khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng mạng xã hội là một thế giới ảo. Nhưng thông tin trên mạng xã hội lại vô cùng đa dạng và có tính hấp dẫn, kích thích lớn với hầu hết trẻ em. Khi trẻ làm theo những hướng dẫn trên mạng, trẻ có cảm giác tự mình làm chủ hoàn toàn với việc mình làm, không bị ai phán xét, không cần quá quan tâm tới hậu quả.
Theo thạc sĩ Hương, mạng xã hội hấp dẫn trẻ em vì khác với việc nghe theo lời dạy dỗ của bố mẹ, thầy cô là trẻ làm dưới một sự áp đặt nào đó, dưới sự theo dõi của một đôi mắt nào đó thì trên mạng xã hội lại khiến trẻ thấy thoải mái, thích thú, hào hứng hơn rất nhiều.
Không chỉ là nơi vui vẻ, mang lại cảm xúc thoải mái cho trẻ, mạng xã hội cũng là nơi chia sẻ. Khi trẻ làm được và chia sẻ với mọi người, trẻ sẽ có cảm giác thành tựu, được chú ý, được động viên trẻ sẽ vui.
Vì vậy các hướng dẫn trên mạng, đặc biệt đến từ những người trẻ yêu thích, mến mộ sẽ vô cùng hấp dẫn. Nhìn những điểm này, thạc sĩ Hương cho rằng mạng xã hội cũng vẫn có những điều tích cực tác động đến trẻ.
Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là những hình ảnh, lời nói không chuẩn mực về đạo đức có thể khiến trẻ học tập theo mà không biết đó là nguy hiểm, là sai trái. Tất cả những điều này nếu kéo dài, lặp đi lặp lại có thể khiến trẻ lớn lên với những lệch lạc về phát triển các kỹ năng ứng xử xã hội, các mối quan hệ, nhận thức…
Quan trọng là chúng ta có thể kiểm soát, loại trừ những thông tin xấu và độc hại, tăng cường những thông tin tốt đẹp và ý nghĩa sẽ vẫn có thể khiến trẻ học tập được nhiều hành động đúng đắn và phù hợp.
Vì vậy, phụ huynh không nên cấm đoán trẻ ngừng sử dụng mạng xã hội. Đây là điều bất khả thi trong thời đại hiện nay, thậm chí còn mang lại những hiệu ứng ngược, khiến trẻ càng lao đầu tìm kiếm thông tin trên mạng, giấu diếm gia đình sử dụng internet, càng khiến trẻ ít chia sẻ và chúng ta càng khó tiếp cận trẻ, kiểm soát trẻ hơn.
Thạc sĩ Hương khuyến cáo tới các gia đình đó là hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh và có trách nhiệm. Khi đó, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Sự dẫn dắt của cha mẹ giúp trẻ hướng trẻ tới những điều tốt đẹp, phát triển hài hòa, chân thiện mỹ cho trẻ. Trẻ có cơ hội được chia sẻ, được tìm hiểu về thế giới của mạng xã hội, cũng giúp trẻ học hỏi được các bài học hay ngay cả khi con dùng máy tính, điện thoại tại nhà theo thời lượng bố mẹ quy định.
Không cho con sử dụng nhiều để tránh trẻ rơi vào trạng thái nghiện Facebook và có thể thức khuya để theo dõi Facebook, ảnh hưởng tới giấc ngủ, chất lượng học tập.
Khánh Chi