Truyền tai nhau uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vắc xin: Chuyên gia nói gì?
Hiện Việt Nam đã tiêm chủng hơn 2,4 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, hơn 115.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Số người đã tiêm có khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm.
Sau tiêm vắc xin Covid-19 nên làm gì để giảm tác dụng phụ?
Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, người thường mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau vì vậy cần lưu ý một số vấn đề để chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tác dụng phụ sau tiêm
Mang sẵn thuốc chống dị ứng
Chị Nguyễn Thùy H. (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ chị chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 và được bạn bè mách trước khi tiêm để phòng sốc thuốc nên uống 1 viên Telfast 180 mg và 1 viên claritin 5 mg trước tiêm khoảng 3 tiếng để đảm bảo hơn.
Chị H. cũng tranh thủ đi tìm mua thuốc này để sẵn chờ ngày tiêm chị sẽ uống. Chị H. cho biết em gái chị đã tiêm đủ 2 mũi và mũi 1 sau tiêm bị dị ứng ngứa, mề đay nổi khắp người phải mất 3 ngày mới đỡ. Mũi hai chỉ sốt. Dù rất sợ tiêm nhưng cơ quan chị H. yêu cầu những người trong đối tượng tiêm phải tiêm để bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Không riêng chị H., anh Vũ Đăng K. (41 tuổi, TP.HCM) cũng cho biết anh làm nhân viên kỹ thuật tại 1 bệnh viện tư nhân và được tiêm phòng cuối tuần qua. Anh K. có tiền sử dị ứng thời tiết và phấn hoa. Khi đi tiêm anh khai báo đầy đủ. Trước khi tiêm anh mang sẵn viên thuốc chống dị ứng nên sau tiêm anh uống thuốc luôn, không thấy hiện tượng dị ứng. 36 tiếng sau tiêm, anh K. chỉ thấy người mệt, nặng đầu, đau mỏi vùng tiêm.
Ảnh minh họa. |
Không có tác dụng
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết việc uống thuốc chống dị ứng trước khi đi tiêm để phòng nguy cơ sốc phản vệ như người dân truyền tai là không có giá trị.
PGS Cơ cũng cho biết nhiều người còn truyền tai uống aspirin phòng biến chứng đông máu sau tiêm, điều này là không nên, không có tác dụng. Quan trọng nhất, đó là cơ sở tiêm chủng khám sàng lọc kỹ, theo dõi kỹ phản ứng sau tiêm.
Theo PGS cơ, vắc xin Covid-19 cũng là một loại thuốc. Cũng như bất kỳ thuốc hoặc vắc xin nào khác, sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng sau tiêm. Điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu của các nhà khoa học. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vắc xin Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vắc xin đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus Sars-Cov-2 nếu mắc phải.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp của bạn có tiền sử dị ứng với các tác nhân như thuốc, thức ăn, thời tiết, phấn hoa… thuộc trường hợp cần thận trọng, khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
Tuy nhiên, cũng tùy theo cơ thể từng người mà vắc xin có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng thì sau tiêm vắc xin có thể gặp dị ứng cao hơn so với những người không mắc bệnh dị ứng nhưng vẫn không nên quá lo lắng khi cơ địa dị ứng.
TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, để đảm bảo mũi tiêm an toàn, trước khi tiêm chủng bạn cần phối hợp với nhân viên y tế, khai báo đầy đủ tiền sử bệnh tật, dị ứng, sử dụng các thuốc trong thời gian gần đây nếu có.
Sau khi tiêm, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong thời gian 3 tuần. Nếu có các dấu hiệu bất thường nghiêm trọng như khó thở, tím tái, tê môi, đau ngực, đau đầu dữ dội, đau bụng, phát ban, chóng mặt..., thì bạn cần đến ngay các cơ sở y tế được phát hiện và xử trí kip thời.
Ngoài ra, bạn có thể gặp một số phản ứng thông thường như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh... Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Sau tiêm, người đã tiêm ngừa vắc xin không cần kiêng các loại thức ăn và đồ uống nếu bạn không có tiền sử dị ứng với những thực phẩm này. Ngoài ra, bạn cũng có thể hoạt động thể chất nhẹ nhàng, uống nhiều nước để giảm thiểu các tác dụng phụ thông thường của vắc xin.
K.Chi