Gia tăng bệnh nhân cúm, đường lây và 4 biện pháp phòng bệnh như thế nào?
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, sổ mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B.
Đường lây của cúm
TS BS. Huỳnh Minh Tuấn – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thời gian lây truyền thường là trước khởi phát 1 ngày đến ngày thứ 7.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch.... Bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Đường lây của cúm, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ vẫn coi cúm lây qua đường giọt bắn, tức là qua các hạt có kích thước > 5 micronmet. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu cho thấy vi rút cũng xuất hiện trong các hạt nhỏ hơn.
Các nghiên cứu cho thấy RNA vi rút có thể tìm thấy ở cả các hạt > 5 micronmet và < 5 micronmet. Cụ thể 75,5% vi rút xuất hiện trong các hạt kích thước 1 - 4 micronmet, 19,5% trong các hạt < 1 micronmet và 5% trong các hạt > 5 micronmet.
Bác sĩ khám tầm soát cho trẻ. |
Chính vì vậy, có thể coi vi rút cúm lây qua cả đường giọt bắn và đường không khí. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sau:
Cách ly người bệnh, người bệnh cần được nằm phòng riêng. Đối với người bệnh cơ địa khỏe mạnh, theo dõi tại nhà, ở phòng riêng thì cần để cửa phòng thông thoáng. Thời gian cách ly 7 ngày từ khi khởi phát triệu chứng.
Hạn chế tiếp xúc gần người bệnh, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính. Tiếp xúc gần được định nghĩa là tiếp xúc trong phạm vi bán kính 2 mét hay ở chung phòng người bệnh trong thời kỳ lây truyền.
Cho người bệnh mang khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế giúp làm giảm sự phát tán các hạt khí dung khi người bệnh nói chuyện.
Khi ho, hắt hơi, cần phải che mũi, miệng bằng khăn giấy và ngay lập tức bỏ khăn giấy vào thùng rác “lây nhiễm”. Nếu không có khăn giấy, hắt hơi vào mặt trong khuỷu tay, không dùng bàn tay.
Nhân viên y tế mang khẩu trang N95 (loại khẩu trang giữ lại được ít nhất là 95% các hạt rất nhỏ - 0,3 micron) khi chăm sóc người bệnh, đặc biệt khi làm thủ thuật xâm lấn đường thở như hút đàm, đặt nội khí quản...
Virus cúm sống trong môi trường trong khoảng thời gian bao lâu?
Theo BS Minh Tuấn sau khi phát tán ra môi trường từ người bệnh, các giọt bắn lớn sẽ rơi xuống trong bán kính khoảng 1-2m. Các hạt khí dung nhỏ hơn sẽ dần lắng xuống và bám trên các bề mặt.
Trên bề mặt môi trường cứng, không có lỗ (như gỗ, kim loại) thì vi rút cúm sống được 24-48 giờ, và có khả năng lây qua bàn tay trong vòng 24 giờ.
Trên bề mặt môi trường có lỗ (như đồ vải hoặc giấy), vi rút cúm sống được 8-12 giờ, khả năng lây qua bàn tay trong vòng 15 phút.
Khả năng sống trên bàn tay của vi rút cúm, theo tác giả Bean và cộng sự là 5 phút. Theo tác giả Thomas, vi rút cúm sống trên ngón tay tới 30 phút.
Như vậy, nếu như bàn tay một người chạm vào các bề mặt môi trường có vi rút, sau đó đưa lên niêm mạc (mắt, mũi, miệng) thì hoàn toàn có khả năng bị nhiễm vi rút cúm.
Đây chính là đường lây thứ ba của vi rút cúm - đường tiếp xúc (contact). Tiếp xúc có thể là trực tiếp qua bàn tay hoặc gián tiếp qua bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút.
Để phòng ngừa bệnh cúm, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân:
Thứ nhất: Tuân thủ triệt để vệ sinh tay 5 thời điểm. Đây chính là biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nhất trong việc chặn đường lây qua tiếp xúc của vi rút cúm. Sát khuẩn tay nhanh với cồn (nồng độ ít nhất 60%) hoặc rửa tay với nước và xà phòng đều rất hiệu quả trong loại bỏ vi rút cúm trên bàn tay.
Thứ hai: Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Niêm mạc chính là ngõ vào của vi rút cúm.
Thứ ba: Vệ sinh tăng cường môi trường bề mặt nhằm làm giảm số lượng vi rút sống trên các bề mặt môi trường. Vì vi rút dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hóa chất sát khử khuẩn thông thường, nên có thể dùng các chất tẩy rửa (Javel, Chloramin B...) để vệ sinh bề mặt môi trường.
Thứ tư: Khi xử lý đồ vải nghi nhiễm vi rút, cần mang găng tay bảo hộ. Giặt sấy đồ vải với chế độ nhiệt và hóa chất dành cho đồ vải nhiễm (ngâm 30 phút ở 70 độ C).
K/Chi