Hà Tĩnh: Huy động hàng trăm người gia cố kè biển, chằng néo nhà cửa chống bão Noru
Theo thông tin từ Đài khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh, bão Noru đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong năm 2022 và đang hướng thẳng vào đất liền thuộc khu vực trung Trung bộ. Vào hồi 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25 km và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của bão, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa đo được phổ biến từ 100mm đến 206mm. Mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường tuần tra ven biển xã Cẩm Lĩnh (còn gọi là tuyến đường quốc phòng nối xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) với xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) có một số đoạn bị sạt lở.
Đặc biệt, đoạn qua thôn 1 (xã Cẩm Lĩnh), nhiều điểm đất, đá bị sạt lở, tràn xuống đường với chiều dài khoảng hơn 200m. Tại đây, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm để ngăn cấm người dân và các phương tiện qua lại; đồng thời tiến hành di dời 13 hộ dân sống trong khu vực để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn và sóng to cũng khiến bờ kè đê biển Cẩm Nhượng đoạn qua thôn Hải Nam bị hư hỏng nặng. Chiều dài của đoạn này chỉ dài khoảng 200m nhưng có đến hàng chục điểm sụt lún, sạt lở, sập vỡ các cấu kiện; nhiều điểm bị sóng đánh tụt chân, hở hàm ếch, khoét sâu vào chân kè... Nay bão số 4 áp bờ, tuyến kè này xuất hiện thêm 3 vị trí sụt lún với diện tích 15m2.
Để hạn chế tình trạng sụt lún ngày càng lan rộng, sáng 26/9, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã huy động cán bộ UBND xã, lực lượng công an, dân quân tự vệ và người dân thôn Hải Nam với khoảng 250 người tập trung gia cố đoạn đê bị hư hỏng.
Phương án khắc phục tối ưu nhất là vận chuyển đá hộc, xếp vào từng rọ thép để lấp vào các điểm sạt lở và gia cố thêm những điểm xung yếu. Trong buổi sáng 26/9, chính quyền địa phương và người dân đã vận chuyển hơn 50 rọ đá với hàng trăm khối đá hộc để bổ sung vào các điểm đã bị sóng đánh trôi.
Kè biển xã Cẩm Nhượng được xây dựng từ năm 2003, với tổng chiều dài khoảng 1,2 km. Tuyến kè này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chắn sóng, bảo vệ cho khoảng 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu tại các thôn Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam và thôn Chùa của xã này.
Qua hàng chục năm chịu áp lực triều cường, kè biển Cẩm Nhượng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều, huyện Cẩm Xuyên đã nhiều lần sửa chữa nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ chắp vá, không thể xử lý triệt để được.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo và Công điện của Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh về việc tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lớn trên địa bàn, chiều 25/9, nhiều trường học trên địa bàn Thị xã Hồng Lĩnh đã triển khai phương án chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Để bảo đảm an toàn về tài sản các nhà trường đã di dời đồ chơi ngoài sân vào nơi khô ráo, tiến hành chằng néo phòng học, cửa sổ, mái tôn, cắt tỉa cây xanh… Thực hiện nghiêm chế độ trực ban tại đơn vị 24/24 giờ để phòng, chống mưa bão khi có sự cố xảy ra.
Đến 8h sáng nay (27/9), toàn tỉnh có trên 3.600 tàu thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, trong đó 420 tàu thuyền (379 tàu nội tỉnh, 41 tàu ngoại tỉnh) đã về neo đậu tại Cảng cá Cửa Sót, Cảng cá Xuân hội và Khu neo đậu Cửa Nhượng.
Trần Hoàn