Huế: Cắm biển cảnh báo bờ biển bị sạt lở, cát tràn vào khu sản xuất nông nghiệp
Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở, xâm thực bờ biển để bảo vệ rừng phòng hộ, nhà cửa cũng như các khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp, sinh kế của người dân. Tuy nhiên, sau bão Noru (cơn bão số 4), những đoạn chưa được xây dựng kiên cố bằng kè tiếp tục bị sóng đánh sạt lở, xâm thực nghiêm trọng khiến cho người dân sống gần bờ biển lo lắng hoa màu, khu nuôi trồng thủy sản, nhà cửa... bị ảnh hưởng và đe dọa đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày khi mùa mưa bão cận kề.
Ghi nhận của PV Infonet tại bờ biển qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) cho thấy, một số đoạn có bờ cát cao bị sóng biển đánh sạt lở và đoạn thấp bị xâm thực bồi lấp nghiêm trọng do cát trôi vào đe dọa khu nuôi trồng thủy sản của người dân.
“Sau bão số 4, những đồng ruộng và khu vực nuôi trồng thủy sản thôn Mỹ Cảnh ở xã Giang Hải đã bị ảnh hưởng và nguy cơ đợt mưa bão tới sẽ bị bồi lấp”, anh Nguyễn Hữu Chinh (người dân xã Giang Hải) chia sẻ.
“Cơn bão số 4 vừa rồi kèm sóng cao làm các cây dương rừng phòng hộ dọc theo bờ bật gốc la liệt, cát tràn vào sát đồng ruộng mà chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi chưa được xây kè không biết khi nào mới tiếp tục xây dựng để đỡ bị ảnh hưởng”, một người dân đang chuẩn bị đồ đạc ra biển đánh cá phản ánh.
Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) thông tin, bờ biển của địa phương bị sạt lở, xâm thực khoảng 1,5km và bồi lấp sâu khoảng 7m sau bão số 4. Trong đó, cát trôi dạt vào làm ảnh hưởng đến khu nuôi trồng thủy sản khoảng 20ha.
Tương tự, bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) sau bão Noro cũng xảy ra sạt lở và đe dọa đến rừng phòng hộ ven biển và tiềm ẩn mối nguy hiểm cho người dân hay đi ra biển. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương phải cắm biển “cảnh báo sạt lở” để tránh nguy hiểm cho những người qua lại khu vực bị sạt lở.
“Trước đây, bờ biển cách nơi này hàng trăm mét nhưng nay đã sạt lở vào sâu hơn nhiều. Nếu không khẩn trương xây dựng kè kiên cố thì chỉ trong vài năm nữa, hàng cây dương phòng hộ còn lại trên sẽ bị nước biển "nuốt" thôi”, ông Hoàng, một người dân địa phương đang ngồi trên bờ biển chia sẻ với PV.
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, bờ biển qua địa bàn xã bị sạt lở khoảng 3,2km, ở thôn An Dương 1 và thôn Tân An. Chính quyền địa phương cùng người dân phối hợp với bộ đội biên phòng (tổng số hơn 150 người) tiến hành gia cố bằng bao tải cát ở các khu vực bị sạt lở nặng trong ngày 11/10.
Một số ngư dân đang làm việc ở khu vực bờ biển đoạn xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, bờ biển đoạn nào chưa được xây dựng kè hầu như hàng năm đến mùa mưa bão cũng xảy ra xâm thực hoặc sạt lở khiến rừng phòng hộ ven biển bị mất dần.
Trao đổi với PV Infonet, ông Đặng Văn Hòa – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong những năm gần đây có 12,4km bờ biển bị sạt lở và đe dọa đến tính mạng, tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống trực tiếp gần bờ biển, ảnh hưởng đến 24 xã thị trấn ven biển và có nguy cơ mở cửa biển mới…
Trước mắt, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, anh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu… Bên cạnh đó, rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở nguy hiểm, lắp dựng các biển báo và tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm.
Hà Oai