HTX bán hàng qua kênh online, đơn hàng tăng gấp 3-4 lần
Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) cho biết, chỉ cần vào mạng gõ tên “nông sản an toàn Thanh Hóa” hoặc “postmart.vn”, “voso.vn”... và tìm kiếm tên các sản phẩm mình quan tâm, ngay lập tức thông tin các sản phẩm sẽ hiện ra với đầy đủ thông tin về giá, xuất xứ sản phẩm...
Theo ông Tú, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đưa sản phẩm của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn lên các sàn giao dịch, nhờ đó nhiều sản phẩm của HTX đã được khách hàng biết đến, đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn TMĐT cao gấp 2-3 lần đơn hàng từ kênh bán truyền thống.
Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, Giám đốc HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hoá) cũng nhờ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT mà việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2022, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như gừng, tỏi, nghệ... Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW nhận định, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống trên sàn này đang tăng cao ở khắp các quốc gia trên thế giới.
“Ước tính doanh thu nửa đầu năm 2022 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm như xoài, thanh long, sầu riêng, chanh tươi… của Việt Nam đang được thị trường các nước châu Á đón nhận tích cực, không chỉ về giá thành mà còn về số lượng, chất lượng sản phẩm. Việc tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới đã giúp công ty tôi nâng doanh thu xuất khẩu,từ 3.000 USD cho đơn đặt hàng đầu tiên lên 260.000 USD chỉ trong một năm sau đó”, bà Yến Phi dẫn chứng.
Đại diện Alibaba.com Việt Nam cho biết hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com, trong đó có tới gần 40% là các cơ sở, DN kinh doanh mặt hàng liên quan nông sản.
Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị… có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 khách hàng tiềm năng, tương đương cơ hội bán hàng cho 450 người mỗi tháng. Tiềm năng, dư địa phát triển cho hàng hóa nông sản còn rất lớn, để nhà cung cấp kết nối với khách hàng nước ngoài, xuất khẩu.
Theo đánh giá của các sở ngành, địa phương, mặc dù thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân có thêm nhiều kênh tiêu thụ, song vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân, đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế; đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn.
Trước vấn đề này, từ những tháng đầu năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ban hành các kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản trên TMĐT với các Sở, ban ngành liên quan tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Cần Thơ… Bên cạnh đó, Cục cũng nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp logistics để đưa ra nhiều chương trình ưu đãi cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm nông sản Việt trên các sàn TMĐT.
Các công ty chuyển phát có dịch vụ vận chuyển dành riêng cho sản phẩm tươi sống. Các DN kinh doanh trên sàn TMĐT còn hỗ trợ hướng dẫn HTX cách livestream giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, hỗ trợ thu hoạch và bán sản phẩm, vận chuyển đảm bảo chất lượng.
Theo các doanh nghiệp, chỉ khi các bên cùng nhau phối hợp nhịp nhàng để mang lại trải nghiệm tối ưu nhất cho người tiêu dùng thì không chỉ nông dân mà nền nông nghiệp nước nhà mới có thể vươn lên một tầm cao mới, hoà chung với xu thế phát triển của thế giới.