Sản phẩm OCOP từ các HTX nông nghiệp góp phần tăng tốc về đích NTM ở huyện Ba Vì
Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho nhân dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018.
Trong những năm qua huyện Ba Vì luôn chú trọng xây dựng chương trình OCOP với nhiều hoạt động nhằm đánh giá, xếp loại, hỗ trợ cho các sản phẩm. Gần đây nhất, ngày 18/10, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 tại huyện Ba Vì.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, đánh giá 37 sản phẩm của 15 chủ thể được đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP theo các nội dung chấm điểm của Bộ tiêu chí Quốc gia.
Trong 37 sản phẩm, có rất nhiều từ các HTX trên địa bàn huyện. Cụ thể:
Các sản phẩm tham gia đợt I tại huyện Ba Vì gồm 5 sản phẩm của HTX Nam Tản Viên Sơn: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ phế, trà bổ thận, dầu gội đầu dược liệu An nữ nhi, nước rửa vùng kín An nữ nhi, Cao dưỡng khớp Tản Viên Sơn;
Sản phẩm của HTX Phú Thịnh, xã Sơn Đà: Giò lụa hạt sen, hạt sen Đầm Long;
HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì: Thịt gà đồi, vịt trời Ba Vì;
HTX Đại Trường: Mộc nhĩ, nấm Linh Chi, nấm sò, bộ bàn ghế Hoàng gia, bộ bàn thờ Đại Trường;
HTX nông nghiệp Thuần Mỹ: Chuối tiêu hồng, chuối sấy dẻo; Hộ kinh doanh Phùng Đạt – xã Vật Lại: Cá chim thính Vật Lại;
HTX thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ: trà thìa canh, trà cà gai, trà lá khôi, trà dây gắmNam dược;
HTX mật ong Ba Vì: mật ong hoa rừng;
HTX chăn nuôi tổng hợp Khánh Phát: Giò đà điểu, xúc xích đà điểu Khánh Phát.
Theo đánh giá, đa số các sản phẩm được trình đợt này đều có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với 37 sản phẩm được công nhận mới, huyện Ba Vì đã nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện lên 138 sản phẩm.
Đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì đã có 138 sản phẩm gồm nhiều sản phẩm truyền thống, có giá trị của huyện như: sản phẩm chế biết từ sữa, chè búp khô, mật ong, gà đồi, bưởi, thuốc Nam đồng bào Dao….
Từ những sản phẩm OCOP, huyện cũng tích cực tham gia quảng bá để những sản phẩm này tiếp cận rộng rãi hơn đến người tiêu thụ. Theo đó, sáng ngày 19/11, UBND huyện Ba Vì phố hợp với Sở Công thương tổ chức khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thứ 3 trên địa bàn huyện tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh.
Đã có trên 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tham dự chương trình.
Tại lễ khai trương, lãnh đạo Sở Công Thương; lãnh đạo UBND huyện Ba Vì đều nhấn mạnh: Việc tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện.
Bước đầu đã đạt một số thành công bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Ba Vì giá trị gia tăng chưa cao, thị phần, vị thế trong các hệ thống bán lẻ còn thấp; công tác xúc tiến thương mại tiếp cận tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế…
Do vậy, việc tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các địa phương trong và ngoài huyện thời gian tới là cần thiết và cần được quan tâm để phát huy tiềm năng, thế mạnh và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của huyện.
Việc tổ chức bán sản phẩm OCOP sẽ được các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành bán sản phẩm đảm bảo theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại. Nhờ các gian hàng này, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và lựa chọn sử dụng các mặt hàng do chính doanh nghiệp địa phương sản xuất, cũng là một giải pháp hay về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương.
Theo báo cáo của Sở NN & PTNT TP Hà Nội, đến nay Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp...
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Ba Vì xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, và xây dựng các sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ đã được huyện triển khai tích cực. Đến nay, huyện còn 3/9 tiêu chí chưa đạt và đang tập trung chỉ đạo để hoàn thành, phấn đấu trong tháng 12/2022 hoàn thiện.
N. Huyền