HTX - nền tảng xây dựng Nông thôn mới vượt bậc ở Bắc Giang
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển phát triển kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Các HTX ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia.
Theo thống kê, hiện Bắc Giang có 1.005 HTX, trong đó có 656 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 65,3%); 329 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp (32,7%); 20 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 2,0%).
Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong tổng số 1.005 HTX, có khoảng 30,3% HTX hoạt động khá, hiệu quả; 60% HTX xếp loại trung bình.
Đặc biệt, trong những năm qua hoạt động của các HTX tiếp tục đổi mới và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, từ đó góp phần giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho thành viên tham gia và người lao động.
Các HTX cũng hỗ trợ các hộ gia đình xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
HTX Dưa leo quê Lục Nam (xã Đông Phú, Lục Nam) là ví dụ điển hình. Được thành lập từ năm 2020, cho đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, các hợp đồng tiêu thụ nông sản ngày càng nhiều. Hiện HTX có hợp đồng cung cấp dưa leo với sản lượng 20-30 tấn/ngày cho Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu G.O.C, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); ký hợp đồng tiêu thụ tại TP Hà Nội cũng như các tỉnh miền Trung...
Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 7 nghìn tấn nông sản, chủ yếu là dưa leo, khoai tây, khoai sọ, hành... cho người dân trong xã và các địa phương lân cận, trong đó có hơn 50% là dưa leo.
Được biết, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 5 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới cùng khu sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm rộng 2 nghìn m2. Nếu đề xuất của HTX được chấp thuận, ngay trong năm nay, HTX sẽ bố trí khoảng 5 tỷ đồng để triển khai.
Ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết, với 250 ha diện tích trồng màu, những năm qua nông dân trong xã đã duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất, trong đó có dưa leo. Trước đây, các hộ dân đều phải chủ động tiêu thụ sản phẩm làm ra nên không ổn định.
“Từ khi HTX Dưa leo quê Lục Nam được thành lập, đứng ra tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tình trạng "được mùa rớt giá" đã không còn, đời sống người dân khấm khá hơn", ông Hiền cho biết.
Kinh tế tập thể nếu phát triển đúng hướng sẽ là yếu tố và động lực cơ bản để xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đó đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho nông dân. Tỉnh Bắc Giang với vai trò đầu tàu từ các HTX nông nghiệp liên kết sản xuất đã và đang góp phần xây dựng NTM thành công ở địa phương này.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch; có 136/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 74,7% tổng số xã. Có thêm 34 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 179 thôn.
Bình quân số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,0 tiêu chí/xã. Các xã Quang Thịnh, Tân Hưng, Nghĩa Hòa và Đại Lâm (huyện Lạng Giang); các xã Yên Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vũ Xá (huyện Lục Nam) đã trình hồ sơ đề nghị cấp tỉnh thẩm định các tiêu chí theo quy định. Các xã Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Tư Mại (huyện Yên Dũng) đã được huyện thẩm tra các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình cấp tỉnh thẩm định đầu tháng 11/2022.
Theo dự kiến hết năm 2022, tỉnh Bắc Giang sẽ có 145/182 xã đạt chuẩn, chiếm 79,7%, trong đó có 41 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 239 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,1 tiêu chí/xã.
H. Anh